Thông tin về đề cương các học phần

Thứ hai - 14/09/2015 15:44
Thông tin về đề cương các học phần
Thông tin về đề cương các học phần

TÓM TẮT NỘI DUNG HỌC PHẦN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỬ NHÂN

NGÀNH XÃ HỘI HỌC NĂM 2015

 

  1. PHI1004: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin 1: 02 tín chỉ
Học phần những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin phần 1 cung cấp cho người học hệ thống quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử về bản chất của thế giới, những quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của thế giới vật chất; bản chất, nguồn gốc, kết cấu của ý thức và biện chứng của quá trình nhận thức; những quy luật khách quan chi phối sự vận động phát triển xã hội loài người. Từ đó giúp người học hình thành thế giới quan và phương pháp luận triết học khoa học, có khả năng vận dụng thế giới quan và phương pháp luận khoa học vào hoạt động nhận thức và thực tiễn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.  
  1. PHI1005: Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê nin 2: 3 tín chỉ
Học phần Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin (phần 2) trình bày những nguyên lý cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa qua việc nghiên cứu 3 học thuyết kinh tế: học thuyết về giá trị, học thuyết về giá trị thặng dư và chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Các học thuyết này không chỉ làm rõ những quy luật kinh tế chủ yếu chi phối sự vận động của nền kinh tế thị trường, của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa mà còn là cơ sở quyết định sự vận động của những quan hệ, những quy luật chính trị - xã hội như quy luật về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, về chính đảng của giai cấp công nhân, về cách mạng xã hội chủ nghĩa… Những quy luật kinh tế và quy luật chính trị - xã hội này luận giải tính tất yếu của sự sụp đổ chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.  
  1. POL1001: Tư tưởng Hồ Chí Minh: 2 tín chỉ
Môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh cung cấp cho sinh viên những hiểu biết cơ bản về: - Cơ sở, quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh; - Hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về một số vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, bao gồm vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc; chủ nghĩa xã hội ở và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam; đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; dân chủ và xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân; đạo đức, văn hóa và xây dựng con người mới. - Những đóng góp về lý luận và thực tiễn của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.  
  1. HIS1002: Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam: 3 tín chỉ
Trình bày rõ bối cách lịch sử và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; cung cấp những kiến thức cơ bản, với nguồn tư liệu xác thực đường lối cách mạng của Đảng, bao gồm hệ thống quan điểm, chủ trương, chính sách về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của cách mạng Việt Nam, thể hiện qua cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị... của Đảng trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong đó chủ yếu tập trung vào đường lối của Đảng thời kỳ đổi mới về một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội; Nêu lên những thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm về xác đinh và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng để vận dụng sáng tạo vào giai đoạn cách mạng hiện tại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.  
  1. INT1004: Tin học cơ sở 2: 3 tín chỉ
Mô đun 1- Tin học Đại cương
  • Phần 1: Cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ sở về thông tin, máy tính, phần mềm và các ứng dụng công nghệ thông tin.
  • Phần 2: Cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng sử dụng hệ điều hành, sử dụng các phần mềm văn phòng thông dụng và khai thác một số dịch vụ trên Internet.
Mô đun 2- Hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ
  • Hệ thống hóa và nâng cao kiến thức về cơ sở dữ liệu, hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ; rèn các kỹ năng sử dụng một hệ quản trị dữ liệu cụ thể.
  • Giới thiệu lập trình quản lý thông qua macro và môđun đơn giản trong Visual Basic.
 
  1. Ngoại ngữ cơ sở 1: 4 tín chỉ
FLF2101 Tiếng Anh cơ sở 1 FLF2201 Tiếng Nga cơ sở 1 FLF2301 Tiếng Pháp cơ sở 1 FLF2401 Tiếng Trung cơ sở 1  
  1. Ngoại ngữ cơ sở 2: 5 tín chỉ
FLF2102 Tiếng Anh cơ sở 2 FLF2202 Tiếng Nga cơ sở 2 FLF2302 Tiếng Pháp cơ sở 2 FLF2402 Tiếng Trung cơ sở 2      
  1. Ngoại ngữ cơ sở 3: 5 tín chỉ
FLF2103 Tiếng Anh cơ sở 3 FLF2203 Tiếng Nga cơ sở 3 FLF2303 Tiếng Pháp cơ sở 3 FLF2403 Tiếng Trung cơ sở 3  
  1. Giáo dục thể chất
 
  1. Giáo dục quốc phòng an ninh
 
  1. Kĩ năng bổ trợ
 
  1. HIS1056: Cơ sở văn hóa Việt Nam: 3 tín chỉ
Cơ sở Văn hóa Việt Nam cung cấp cho người học những khái niệm cơ bản về văn hóa như: văn hóa, văn minh, văn hiến, văn vật. Những vấn đề liên quan đến hình thái, mô hình, cấu trúc và chức năng của văn hóa. Học phần cũng cung cấp cho người học những kiến thức tổng quát, từ đó giúp người học có thể lý giải về các khía cạnh của văn hoá Việt Nam như: mối quan hệ giữa con người, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội Việt Nam với văn hoá; những đặc trưng chung của quá trình giao lưu tiếp xúc văn hoá ở Việt Nam và những nét nổi bật của quá trình giao lưu tiếp xúc giữa văn hoá Việt Nam với văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ, phương Tây. Học phần Cơ sở văn hoá Việt Nam cũng giới thiệu cho người học những thành tố cơ bản của văn hoá Việt Nam như ngôn ngữ, tôn giáo (Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo, Thiên chúa giáo), tín ngưỡng (tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ Mẫu), lễ hội…và diễn trình của lịch sử văn hóa Việt Nam (văn hóa Việt Nam thời tiền sơ sử, thiên niên kỷ đầu công nguyên, văn hóa Việt Nam thời tự chủ…). Học phần cũng giới thiệu những nét đại cương của không gian văn hóa Việt Nam, từ đó bước đầu định hướng nhận thức về sự phát triển của nền văn hoá Việt Nam hiện đại trên cơ sở giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống và hội nhập, tiếp thu những giá trị văn hóa mới. Học phần ngoài giới thiệu những nội dung về văn hóa Việt Nam, từ nguồn gốc, đặc điểm, sự đa dạng, thống nhất… mà còn mở rộng, so sánh với văn hóa của những tộc người khác, người học nắm bắt được sự vận động, biến đổi của văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại, nhìn nhận về những thuận lợi và những thách thức, xu hướng phát triển của văn hóa trong bối cảnh kinh tế, xã hội.  
  1. MNS1053: Các phương pháp nghiên cứu khoa học: 3 tín chỉ
Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về khoa học, nghiên cứu khoa học, đặc điểm và sản phẩm của nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học, xây dựng luận điểm khoa học, vai trò của luận điểm khoa học trong nghiên cứu khoa học, trình tự xây dựng luận điểm khoa học, giả thuyết khoa học, chứng minh luận điểm khoa học, các phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu khoa học (như nội quan, ngoại quan, phân tích, tổng hợp, định tính, định lượng, thống kê, xác suất, cấu trúc và hệ thống...), và trình bày luận điểm khoa học. Học phần đặt trọng tâm vào nội dung kỹ năng hình thành trình tự logic cho nghiên cứu, từ đó giúp sinh viên xây dựng nền tảng đầu tiên cho hoạt động nghiên cứu khoa học (tập sự nghiên cứu), biết xây dựng khung logc cho luận điểm khoa học, chứng minh luận điểm khoa học và trình bày luận điểm khoa học, viết tài liệu khoa học, thuyết trình khoa học. Bên cạnh đó, học phần làm rõ sự khác biệt về phương pháp thu thập thông tin giữa các khoa học giúp sinh viên không luyện tập về logic nghiên cứu mà còn định hình được sự lựa chọn phương pháp phù hợp cho nghiên cứu của bản thân. Bên cạnh việc rèn luyện kĩ năng làm đề cương nghiên cứu, học phần đặc biệt chú trọng đến nội dung của chương VIII về hình thành đạo đức khoa học trong cộng đồng nghiên cứu cũng như giới thiệu các phương thức kiểm soát xã hội nhằm hạn chế hiện tượng lệch chuẩn đạo đức khoa học.

14. PSY1050: Tâm lí học đại cương: 3 tín chỉ

Tâm lý học đại cương cung cấp cho người học những tri thức khoa học về bản chất, cơ sở tự nhiên và cơ sở xã hội của hiện tượng Tâm lý người; các nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu Tâm lý; khái quát sự hình thành và phát triên Tâm lý người. Bên cạnh đó, Tâm lý học đại cương còn cung cấp các tri thức cơ bản về các quá trình nhận thức, trí nhớ, tình cảm, ý chí của con người; về nhân cách và những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành phát triển nhân cách con người.  
  1. PHI1051: Logic học đại cương: 3 tín chỉ
Lôgíc học là khoa học về các hình thức và quy luật của tư­ duy đúng đắn. Nội dung của học bao gồm các hình thức tồn tại của tư­ duy như: khái niệm, phán đoán, suy luận, chứng minh và các quy luật lô gích hình thức cơ bản của tư­ duy như Luật đồng nhất; Luật cấm mâu thuẫn; Luật bài trung; Luật lý do đầy đủ. nắm được các nội dung đó sinh viên hình dung đ­ược một cách cụ thể vai trò và tác động của t­ư duy lôgíc trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Phần bài tập và câu hỏi trên lớp giúp ng­ười học có khả năng tìm kiếm, nhận dạng và khắc phục những lỗi lôgíc của tư­ duy trong quá trình phản ánh, đồng thời xây dựng đư­ợc phương pháp tư­ duy chính xác chặt chẽ, khoa học cho mình. Học phần không chỉ trang bị cho sinh viên những ph­ương pháp tư­ duy đúng đắn để có thể phán ánh chân thực đối t­ượng ở trạng thái đứng im t­ương đối (mặt hình thức) của nó mà còn cung cấp những cơ sở và nền tảng cho một ph­ương pháp tư­ duy đúng đắn nói chung, giúp ng­ười học có thể vận dụng nó trong việc lĩnh hội các khoa học khác và dùng nó trong hoạt động thực tiễn một cách có hiệu quả. Vì vậy, đây là môn học đã đang và nên là môn học phổ cập và bắt buộc đối với sinh viên ở giai đoạn đại cương trong tất cả các trư­ờng đại học.  
  1. HIS1053: Lịch sử văn minh thế giới: 3 tín chỉ
- Học phần giới thiệu sự hình thành và phát triển của văn minh nhân loại thông qua việc trình bày các nền văn minh tiêu biểu như (1) văn minh Ai Cập; (2) văn minh Lưỡng Hà ; (3) văn minh Trung Hoa ; (4) văn minh ấn Độ ; (5) văn minh A rập; (6) văn minh Đông Nam á; (7)  văn minh Hy Lạp - La Mã; (8) văn minh Tây Âu trung đại; (9) văn minh công nghiệp; (10) văn minh thế kỷ XX... -Đối với mỗi nền văn minh, học phần giới thiệu và cung cấp kiến thức, thông tin về ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội-văn hóa tới sự hình thành và phát triển của các nền văn minh. -Học phần trình bày khái quát những nét chủ yếu của tiến trình văn minh và những đóng góp tiêu biểu về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học –kỹ thuật, tôn giáo...  
  1. THL1057: Nhà nước và pháp luật đại cương : 2 tín chỉ
Nhà nước và pháp luật đại cương là môn học bắt buộc được đưa vào chương trình giảng dạy nhiều năm nay ở các cơ sở đào tạo khác nhau. Đây là môn học nghiên cứu những vấn đề chung nhất và cơ bản nhất, mang tính toàn diện và hệ thống các tri thức về nhà nước và pháp luật, nghiên cứu bản chất, vai trò xã hội, qui luật phát sinh, tồn tại và phát triển của hai hiện tượng xã hội này. Ngoài ra nhà nước và pháp luật đại cương cũng nghiên cứu những nét cơ bản nhất về các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đây cũng là môn học nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống nhất các khái niệm, phạm trù, các nguyên tắc và các qui luật về nhà nước và pháp luật.  
  1. SOC1051: Xã hội học đại cương : 3 tín chỉ
Học phần được kết cấu thành 10 chương. Mười chương này tạo thành bốn nhóm nội dung. Nội dung thứ nhất bàn về đối tượng nghiên cứu của xã hội học, chức năng của xã hội học, và mối quan hệ giữa xã hội học với một số ngành khoa học khác. Nội dung thứ hai đề cập đến lịch sử và lý thuyết xã hội học. Nội dung thứ ba tập trung vào các phương pháp nghiên cứu xã hội học. Nội dung cuối cùng đề cập đến những chủ đề cơ bản trong xã hội học. Như vậy, kết cấu của học phần dựa trên lô gich: gắn kết lịch sử, lý thuyết với phương pháp nghiên cứu, và những chủ đề quan trọng của xã hội học.  
  1. INE1014: Kinh tế học đại cương: 2 tín chỉ
Kinh tế học Đại cương là một môn học bổ trợ, thuộc khối kiến thức bổ trợ trong các chương trình đào tạo thuộc các khối ngành tự nhiên và xã hội - nhân văn. Môn học cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản nhất về sự vận hành của nền kinh tế thị trường với 2 mảng kiến thức 1) Kinh tế học vi mô: giới thiệu một cách tổng quát cơ chế vận hành của một thị trường điển hình và hành vi lựa chọn của doanh nghiệp; 2) Kinh tế học vĩ mô: Trình bày những biến số kinh tế vĩ mô chủ yếu và các yếu tố quyết định chúng qua một số mô hình kinh tế vĩ mô cơ bản. Qua đó, người học có thể hiểu được tầm quan trọng của các chính sách kinh tế  của Chính phủ trong việc điều tiết hoạt động của nền kinh tế.  
  1. EVS1001: Môi trường và phát triển: 2 tín chỉ
Môn học giới thiệu các khái niệm về tài nguyên, môi trường và phát triển. Đặc điểm, nguyên nhân, hệ quả của các vấn đề suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường, mối quan hệ giữa môi trường và các lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, kinh tế, xã hội. Môn học cũng đề cấp đến các thách thức và mối quan tâm hiện nay của loài người đối với các vấn đề môi trường và phát triển trên thế giới hiện nay. Một nội dung quan trọng khác được giới thiệu trong môn học là công tác bảo vệ môi trường cho sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, môn học cũng có nội dung mở dựa trên các vấn đề thực tiễn liên quan đến các ngành khoa học khác nhau và gắn liền với tình hình thực tiễn trong các buổi thảo luận theo chủ đề trên lớp.  
  1. MAT1078: Thống kê cho khoa học xã hội : 2 tín chỉ
Môn học trang bị cho sinh viên một số kết quả cơ bản, đơn giản của Thống kê ứng dụng để xử lý hai đại lượng quan trọng, rất hay được dùng trong thực tế: tỷ lệ và trung bình. Đó là bài toán ước lượng tham số, kiểm định giả thiết liên quan đến tỷ lệ, trung bình; so sánh hai giá trị trung bình, so sánh hai tỷ lệ, kiểm tra tính độc lập giữa hai đại lượng; tương quan và hồi quy giữa hai biến.  
  1. LIN1050: Thực hành văn bản tiếng Việt: 2 tín chỉ
Môn học này cung cấp cho sinh viên những kiến thức về: - Tiếp nhận và soạn thảo văn bản tiếng Việt. - Nhận diện và xây dựng đoạn văn tiếng Việt - Nhận diện và viết các loại câu tiếng Việt. Chữa các lỗi về câu. - Các quy tắc dùng từ, hiểu các lỗi thông thường trong dùng từ và cách sửa chữa. - Các quy tắc chính tả tiếng Việt. Các lỗi thông thường về chính tả.      
  1. LIB1050: Nhập môn Năng lực thông tin: 2 tín chỉ
  Năng lực thông tin giúp các cá nhân có thể xử lý, giải quyết và làm chủ các vấn đề liên quan đến khai thác và sử dụng thông tin trong bối cảnh bùng nổ thông tin và xã hội thông tin hiện nay. Cần lưu ý rằng, sự thành thạo về sử dụng công nghệ không đồng nghĩa với việc sử dụng và khai thác thông tin hiệu quả. Do đó, cần có những giải pháp để ứng phó và giải quyết những vấn đề do sự bùng nổ thông tin gây ra. Việc dễ dàng công bố, đăng tải, và truy cập thông tin, đặc biệt là thông tin trên Internet, khiến cho người sử dụng thông tin bị quá tải, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc xác định, lựa chọn, tìm kiếm và đánh giá các nguồn thông tin phù hợp, đáng tin cậy, phục vục cho các nhu cầu học tập, nghiên cứu và sinh sống. Môn học này cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết để giải quyết những nêu trên, giúp người học nâng cao hiệu quả học tập và chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng học tập suốt đời.  
  1. SOW1100Công tác xã hội đại cương: 3 tín chỉ
Nội dung học phần bao gồm những kiến thức cơ bản về lịch sử hình thành và phát triển Công tác xã hội trên Thế giới và Việt Nam.. Một số lĩnh vực nghiên cứu và kỹ năng thực hành cơ bản của CTXH cũng được giới thiệu nhằm gợi mở các hướng tiếp cận, khả năng tư duy, phát huy năng lực người học trong nghiên cứu và thực hành nghề nghiệp. Học phần cũng giới thiệu các kiến thức chung về các phương pháp nghiên cứu, các kỹ năng thực hành Công tác xã hội nhằm thực hiện các chức năng xã hội hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của cá nhân, nhóm, cộng đồng xã hội. Đây cũng học phần mà  những nội dung kiến thức vẫn mang tính chất mở kể cả cho người dạy và học tiếp tục nghiên cứu, phát hiện, bổ sung để ngày càng hoàn thiện về nhận thức cũng như  kỹ năng nghề nghiệp CTXH.  Nội dung học phần luôn gắn liền với nội dung giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm của con người với con người, với giai cấp, với dân tộc, sẵn sàng tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp chống áp bức, giảm đói nghèo, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.    
  1. ANT1100: Nhân học đại cương: 3 tín chỉ
Môn Nhân học đại cương giới thiệu cho sinh viên những hiểu biết cơ bản về ngành Nhân học, giúp sinh viên trong qúa trình học phát triển các tri thức, cách tiếp cận phê phán về cuộc sống của chính văn hóa và xã hội mình và các xã hội, nền văn hóa khác trên thế giới. Tham gia môn học này, sinh viên sẽ được tìm hiểu về đối tượng nghiên cứu, sự phân ngành, lịch sử phát triển của ngành nhân học, các khái niệm cơ bản, các phương pháp nghiên cứu điền dã dân tộc học. Các bài giảng cũng bao quát một số chủ đề quan trọng của ngành học như: ngôn ngữ, chủng tộc, tộc người, giới và giới tính, gia đình và thân tộc, hôn nhân và cư trú, tôn giáo với những ví dụ minh họa từ Việt Nam và các nền văn hóa đa dạng trên thế giới. Hoàn thành môn học này, sinh viên có những tri thức cơ bản về ngành Nhân học, có thể áp dụng các tri thức và tiếp cận Nhân học vào nghiên cứu, công việc và cuộc sống.  
  1. PHI1101: Tôn giáo học đại cương: 3 tín chỉ
Tôn giáo học là một khoa ngành học, song ở đây mới dừng lại ở chỗ coi nó là một môn học mang tính đại cương, do vậy nội dung của môn học mới chỉ dừng lại ở những vấn cơ bản và chung nhất của Tôn giáo học, cụ thể gồm:
  1. Bản chất, nguồn gốc của tôn giáo
  2. Kết cấu và chức năng xã hội hội của tôn giáo của tôn giáo hiện đại
  3. Sự ra đời tôn giáo, các kiểu tôn giáo trong lịch sử, lí giải quá trình xuất hiện và sự phát triển của tôn giáo với một số kiểu, hình thức tôn giáo.
  4. Tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam, tìm hiểu về một số hình thức tín ngưỡng tiêu biểu của người Việt và về đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo.
  5. Phật giáo và Phật giáo ở Việt Nam, tìm hiểu sự ra đời, giáo lí cơ bản của đạo Phật. Sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở Việt Nam qua một số thời kỳ lịch sử.
  6. Kitô giáo và Kitô giáo ở Việt Nam, tìm hiểu sự ra đời, giáo lí cơ bản của đạo Kitô, sự phân hóa trong đạo Kitô. Sự du nhập và phát triển của Kitô giáo (Công giáo, Tin Lành) ở Việt Nam qua một số thời kỳ lịch sử.
  7. Islam và Islam ở Việt Nam, tìm hiểu về sự ra đời, giáo lí cơ bản của Islam. Sự du nhập Islam vào cộng đồng người Chăm ở Việt Nam.
  8. Đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về tôn giáo
 
  1. PSY2023: Tâm lí học xã hội: 3 tín chỉ
Tâm lý học xã hội cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về các hiện tượng tâm lý của số đông người, như: hiện tượng liên hệ xã hội, tri giác xã hội, ảnh hưởng xã hội, khuôn mẫu, định kiến xã hội, hành vi xã hội  thường xảy ra trong xã hội và các hiện tượng tâm lý thường xảy ra trong nhóm nhỏ, như sự hình thành các mối quan hệ trong nhóm nhỏ, chuẩn mực, cố kết nhóm, xung đột, lãnh đạo nhóm. Người học cũng được trang bị những kiến thức, kỹ năng về các phương pháp nghiên cứu trong tâm lý học xã hội.  
  1. SOW2003: Gia đình học: 2 tín chỉ
Môn gia đình học cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về đối tuợng học phần, các khải niệm cơ bản, lịch sử về gia đình, quá trình phát triển và biến đổi của gia đình, quan hệ với các thiết chế khác, các loại gia đình và quan hệ trong nội bộ gia đình.Học phần này cũng giới thiệu cho sinh viên những kiến thức cơ bản về cách tiếp cận và những phương pháp của việc nghiên cúu gia đình. Học phần này giúp cho sinh viên biết thiết kế một đề cương nghiên cứu nhỏ về gia đình. Qua đó giúp cho sinh viên hình thành phong cách tư duy và phương pháp nghiên cúu khoa học.  
  1. SOC1100 Sử dụng phần mềm xử lí dữ liệu: 2 tín chỉ
Môn học giúp sinh viên làm quen với một phần mềm xử lý dữ liệu định lượng chuyên dụng phổ biến nhất hiện nay. Môn học trang bị kiến thức và kỹ năng xử lý dữ liệu bằng phần mềm SPSS ở bậc cơ sở, tạo cho sinh viên một cách nhìn tổng quát về các phương pháp phân tích nhị biến. Môn học cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng mô tả dữ liệu, kiểm định giả thiết về mối quan hệ giữa các biến của tổng thể, kiểm định sự khác biệt giữa các trung bình của tổng thể. Môn học trang bị cho sinh viên cách thức phân tích dữ liệu để viết báo cáo nghiên cứu khoa học hoặc báo cáo khảo sát xã hội học.  
  1. HIS1100: Lịch sử Việt Nam đại cương: 3 tín chỉ
Đây là học phần cơ sở của nhiều ngành học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản, toàn diện, hệ thống về lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến ngày nay. Bao trùm toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam là những nội dung lớn như: sự thay thế, phát triển kế tiếp giữa các triều đại, các thời đại lịch sử; quá trình ra đời và hoàn thiện của hệ thống nhà nước và pháp luật; những thành tựu phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội; lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ… Các vấn đề trên sẽ được trình bày theo lịch đại (trình tự thời gian), đồng thời, ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, các vấn đề sẽ được phân tích, đánh giá một cách khách quan và khoa học.  
  1. SOW1101: Dân số học đại cương: 3 tín chỉ
Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về dân số học bao gồm đối tượng và phương pháp nghiên cứu dân số, các tỷ suất gia tăng dân số,  tình hình gia tăng dân số trên thế giới và Việt Nam, các học thuyết dân số, cơ cấu dân số. Học phần giúp cho sinh viên hiểu và biết cách tính toán các công thức tính mức sinh, mức chết, và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến mức sinh và mức chết. Ngoài ra, học phần cũng giới thiệu quá trình di dân và đô thị hoá ở Việt Nam, các phương pháp dự báo dân số và chính sách dân số ở một số nước và Việt Nam  
  1. PSY1100: Tâm lí học giao tiếp: 2 tín chỉ
Môn học Tâm lý học giao tiếp cung cấp cho người học các tri thức thức lý luận và thực tiễn về giao tiếp: hành vi giao tiếp, các kỹ năng giao tiếp cơ bản trong môi trường xã hội, kỹ năng  sử dụng các phương tiện giao tiếp. Bên cạnh các tri thức lý huận, môn học Tâm lý học Giao tiếp còn cung cấp cho sinh viên những kỹ năng trong giao tiếp thông qua các bài tập thực hành, luyện tập. Thông qua các tri thức và các kỹ năng về giao tiếp do môn học này cung cấp, sinh viên được trang bị cho mình những phương pháp lý luận cũng như tăng cường khả năng giao tiếp hiệu quả trong công việc nói riêng và cuộc sống nói chung - đây chính là chìa khóa của thành công cho mỗi người.  
  1. PSY1150: Tâm lí học phát triển: 3 tín chỉ
Môn học giới thiệu những nội dung cơ bản về sự phát triển tâm lý của con người; cách thiết kế và các phương pháp nghiên cứu sự phát triển tâm lý người. Sinh viên có cơ hội tìm hiểu các lý thuyết cơ bản về nguồn gốc, động lực của phát triển tâm lý người; bản chất và cơ chế của sự phát triển tâm lý người; những kiến thức về quy luật, điều kiện và đặc điểm sự phát triển tâm lý của con người, với tư cách là thành viên của xã hội, qua các giai đoạn lứa tuổi từ trong bào thai, sinh ra, lớn lên, trưởng thành và già đi. Ngoài những kiến thức nêu trên, người học được tiếp cận với những quan điểm khoa học về những nhiệm vụ phát triển tâm lý trong từng giai đoạn cuộc đời để trở nên hữu ích và hạnh phúc hơn, giúp mỗi người phát triển tốt hơn những tiềm năng của bản thân mình.  
  1. SOW2004: Hành vi con người và môi trường xã hội: 3 tín chỉ
Học phần Hành vi con người và môi trường xã hội gồm có 3 chương : chương 1 : Cung cấp những kiến thức cơ bản về HVCN và MTXH ( các khái niệm hành vi, hành vi xã hội của con người, hành vi lệch chuẩn và môi trường, môi trường xã hội và ảnh hưởng của nó đến hành vi con người). Đồng thời chương 1 đề cập đến một số khái niệm liên quan như : hệ thống, sinh thái, sơ đồ sinh thái, cùng các mối quan hệ, tương tác của nó với  hành vi con người. Chương 2 : Các lý  thuyết nghiên cứu HVCN từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 làm nền tảng cơ sở lý luận cho sinh viên trong quá trình phân tích, giải thích các mối quan hệ giữa  HVCN và MTXH khi phải giải quyết những vấn đề trong thực tiễn. Mối quan hệ đặc biệt giữa các giai đoạn lứa tuổi với môi trường xã hội. Đề cập đến văn hóa gia đình và các ảnh hưởng của nó đến hành vi con người. Chương 3 : Vai trò, nhiệm của nhân viên CTXH trong việc giúp đỡ các đối tượng xã hội dễ bị tổn thương..  Nội dung học phần luôn gắn liền với nội dung giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm đạo đức góp phần giúp người học hình thành đạo đức nghề nghiệp.    
  1. SOW1102: Phát triển cộng đồng : 3 tín chỉ
Học phần này gồm bốn nhóm nội dung cơ bản. Nhóm nội dung thứ nhất liên quan đến cơ sở lí luận và nguyên tắc của phát triển cộng đồng. Nhóm nội dung thứ hai đề cập đến các phương pháp thu thập và xử lí thông tin nhằm xây dựng kế hoạch can thiệp cộng đồng. Nhóm nội dung thứ ba liên quan đến việc học hành các bước cụ thể để xây dựng và thực hiện một kế hoạch phát triển cộng đồng. Nhóm nội dung cuối cùng liên quan đến việc sinh viên trình bày kết quả nghiên cứu can thiệp của bản thân trước lớp, trao đổi và thống nhất với giảng viên.  
  1. PSY1151: Tâm lí học sức khỏe : 2 tín chỉ
Môn học cung cấp cho người học hệ thống khái niệm của Tâm lý học sức khoẻ: sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần và sức khoẻ xã hội; các tiêu chí để phân loại chúng; vấn đề sức khoẻ và đặc điểm nhân cách, sức khoẻ và lối sống; sức khoẻ của con người và các giai đoạn phát triển tâm lý và chăm sóc, dự phòng đối với các “đại dịch” hiện nay như HIV/AIDS, nghiện; hoạt động trợ giúp sức khoẻ tinh thần ở các giai đoạn phát triển tâm lý của con người. Bên cạnh đó, môn học cũng cung cấp cho người học kỹ năng sử dụng một số công cụ chẩn đoán, đánh giá sức khoẻ của con người.  
  1. SOC3024: Chính sách xã hội : 2 tín chỉ
Học phần được cấu trúc thành 7 chương, bao trùm ba nội dung. Chương 1 tập trung vào nội dung thứ nhất: những vấn đề lý luận chung về chính sách xã hội. Nội dung chính thứ 2 sẽ được trình bày trong chương 2. Cụ thể là chương 2 đi sâu vào ba lĩnh vực: quá trình xây dựng chính sách xã hội, quá trình tổ chức thực hiện chính sách xã hội và đánh giá chính sách xã hội. Các chương từ chương 3 đến chương 7 bàn sâu về nội dung thứ ba: những chính sách xã hội cơ bản ở Việt Nam. Các chính sách này được chia thành 4 nhóm và được trình bày trong 4 chương. Như vây, kết cấu của học phần dựa trên lô gích: kết nối lý thuyết với thực tiễn, gắn chính sách xã hội với sự vận động của các vấn đề xã hội trên thực tế.  
  1. SOC3006: Xã hội học truyền thông đại chúng và dư luận xã hội : 3 tín chỉ
Học phần gồm hai chương kiến thức có liên quan đến nhau nhưng không phải là môt. Trong phần thứ nhất sinh viên sẽ được giới thiệu về các mô hình của truyền thông và truyền thông đại chúng, các chức năng của nó, các hương nghiên cứu trong xã hội học về truyền thông đại chúng. Trong chương thứ hai sinh viên sẽ được làm quen với những lý thuyết về dư luận xã hội, vấn đề bản chất, chức năng và mối quan hệ của truyền thông và dư luận cũng như quá trình hình thành và biến đổi của dư luận. Học phần này cũng giới thiệu với sinh viên những phương pháp cũng như các tổ chức nghiên cứu về các phương  pháp và các tổ chức nghiên cứu về TTĐC và DLXH  
  1. SOW3045: Công tác xã hội với ngư­ời nghèo : 3 tín chỉ
Nội dung học phần bao gồm những kiến thức cơ bản về nghèo đói - xoá đói giảm nghèo và công tác xã hội với người nghèo: lý luận chung về nghèo đói và xoá đói giảm nghèo, phạm vi công tác xã hội với người nghèo. Các kiến thức của học phần mở ra khả năng bổ sung lý thuyết và phương pháp công tác xã hội với cá nhân, nhóm và cộng đồng. Học phần gắn kết giữa ý tưởng với thực tiễn tạo ra cho người học có điều kiện, ý thức và trách nhiệm với người nghèo, với cộng đồng - quốc gia - dân tộc hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng - dân chủ.  
40. SOC3039: Lịch sử và Lí thuyết xã hội học: 5 tín chỉ
Học phần được kết cấu thành bảy chương. Chương thứ nhất bàn về lịch sử phát triển của tư duy Xã hội học qua các thời kỳ. Chương thứ hai và chương thứ ba bàn về các lý thuyết xã hội học kinh điển với hai nhóm lý thuyết kinh điển vĩ mô và vi mô hay lý thuyết xã hội học về đời sống hàng ngày. Chương thứ tư và chương thứ năm là những chương giới thiệu các lý thuyết xã hội học hiện đại, bao gồm cả các lý thuyết vĩ mô và lý thuyết về đời sống hàng ngày. Chương thứ sáu là chương về các lý thuyết xã hội học tích hợp hiện đại. Chương cuối cùng là chương về các lý thuyết hậu hiện đại. Bảy chương của học phần không chỉ bàn sâu nội dung các lý thuyết xã hội học mà còn tập trung vào kỹ năng vận dụng các lý thuyết xã hội học cũng như phát triển thái độ khoa học trong vận dụng lý thuyết xã hội học để nghiên cứu xã hội đương đại.  
  1. SOC3040: Phương pháp nghiên cứu xã hội học: 4 tín chỉ
Học phần này nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản và giúp người học có thể vận dụng kiến thức đó cho thiết kế, tổ chức thực hiện một nghiên cứu XHH với một vấn đề xã hội cụ thể: Các bư­ớc tiến hành một cuộc nghiên cứu xã hội học; cách thức phát hiện, nắm bắt và lựa chọn vấn đề nghiên cứu; cách thiết kế một cuộc nghiên cứu xã hội học từ khâu xác định mục tiêu nghiên cứu, xây dựng khung lý thuyết, thao tác hoá khái niệm, xây dựng bộ công cụ cho thu thập thông tin; xác định mẫu nghiên cứu; kỹ năng sử dụng và lựa chọn các phư­ơng pháp nghiên cứu định lư­ợng, định tính cho phù hợp với từng trường hợp nghiên cứu cụ thể; kỹ năng xử lý, phân tích thông tin và trình bày kết quả nghiên cứu trong một báo cáo khoa học.  
  1. SOC3009: Xã hội học quản lí: 3 tín chỉ
Học phần bao gồm ba nhóm nội dung chính. Nhóm nội dung thứ nhất liên quan đến lí thuyết xã hội học quản lí. Nhóm nội dung thứ hai bàn đến các phương pháp nghiên cứu trong xã hội học quản lí. Nhóm nội dung cuối cùng giới thiệu và phân tích một số nghiên cứu về xã hội học quản lí nổi tiếng trên thế giới (đặc biệt là ở Pháp và Mỹ) và ở Việt Nam. Ba nội dung này được lồng ghép trong các mô hình quản lí được sắp xếp theo phương pháp lịch đại.  
  1. SOC3041: Xã hội học giới: 2 tín chỉ
Học phần được kết cấu thành ba nội dung chính: Một là, trình bày các vấn đề nhập môn xã hội học giới; Hai là, phân tích và giải thích các khái niệm và các lý thuyết cơ bản trong nghiên cứu xã hội học giới; Ba là, giới thiệu giới trong một số lĩnh vực xã hội; như: giới trong giáo dục; giới trong lao động, giới trong chăm sóc sức khỏe, giới trong lãnh đạo, quản lý và quan hệ giới trong gia đình.  
  1. SOC3007: Xã hội học gia đình: 2 tín chỉ
Học phần được kết cấu thành các nội dung chính: Một là, trình bày cơ sở xã hội học nghiên cứu gia đình; Hai là, phân tích và giải thích các khái niệm, đối tượng nghiên cứu và các lý thuyết cơ bản trong nghiên cứu gia đình; Ba là, giới thiệu gia đình truyền thống và sự hình thành phát triển gia đình; Bốn là, giới thiệu biến đổi cấu trúc gia đình và các chức năng cơ bản của gia đình; Cuối cùng hướng dẫn vận dụng các phương pháp nghiên cứu xã hội học để nghiên cứu gia đình.  
  1. SOC3042: Xã hội học nông thôn: 3 tín chỉ
Học phần được kết cấu thành bảy chương. Chương thứ nhất là chương nhập môn xã hội học nông thôn. Chương thứ hai đi sâu vào các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu Xã hội học Nông thôn. Các chương, từ chương thứ ba đến chương thứ bảy tập trung vào các chủ đề cơ bản của Xã hội học Nông thôn. Các chủ đề này bao gồm: Cấu trúc xã hội nông thôn; thiết chế xã hội nông thôn; bất bình đẳng xã hội, phân tầng xã hội, di động xã hội ở xã hội nông thôn; phong trào xã hội, xung đột xã hội và kiểm soát xã hội ở nông thôn; biến đổi xã hội ở nông thôn. Như vậy, cấu trúc của học phần dựa trên lô gich: kết nối lý thuyết, phương pháp với những chủ đề/vấn đề cơ bản của xã hội nông thôn, trong đó chú trọng đến biến đổi xã hội nông thôn Việt Nam đương đại.    
  1. SOC3002: Xã hội học đô thị : 2 tín chỉ
Nội dung học phần bao gồm những kiến thức cơ bản về chuyên ngành xã hội học đô thị, trong đó giới thiệu về đối tượng, và sự hình thành xã hội học đô thị, một số cách tiếp cận và khái niệm cơ bản của xã hội học đô thị. Học phần này cung cấp cho sinh viên những cách tiếp cận kinh điển và đương đại của môn xã hội học đô thị. Bên cạnh đó, một số vấn đề nghiên cứu trong xã hội học đô thị cũng được giới thiệu như: đô thị hóa, cơ cấu xã hội đô thị, lối sống đô thị và nhà ở đô thị, quản lý đô thị. Qua đó, sinh viên sẽ có những tri thức về các vấn đề xã hội học đô thị ở Việt Nam.  
  1. SOC3011: Xã hội học dân số: 3 tín chỉ
Nội dung học phần bao gồm những kiến thức cơ bản về đối tượng và phương pháp nghiên cứu của xã hội học dân số. Học phần này đi sâu vào một số kiến thức chung về  xã hội học dân số như: Sự phân bố và thành phần dân cư; Sự biến đổi dân số và các lý thuyết ; Mức sinh, mức chết ; Di dân và Đô thị hoá. Ngoài ra, học phần cũng giới thiệu về mối quan hệ giữa dân số và các điều kiện kinh tế xã hội như giáo dục, y tế, môi trường, kinh tế. Phần cuối của học phần này, chúng tôi dành một chương để giới thiệu về chất lượng dân số, bao gồm cách tính chỉ số để đo chất lượng dân số Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dân số Việt Nam.  
  1. SOC3015: Xã hội học môi trường: 2 tín chỉ
  Học phần gồm có 5 chương với các nội dung cụ thể như sau. Nội dung thứ nhất chỉ rõ đối tượng nghiên cứu, trình bày tóm lược lịch sử hình thành, phát triển của Xã hội học Môi trường trên thế giới và ở Việt Nam. Nội dung thứ hai cung cấp cơ sở lý luận cho nghiên cứu Xã hội học Môi trường qua việc giới thiệu một số quan điểm lý thuyết, lý thuyết trong bộ môn này. Nội dung thứ ba đi sâu vào các chủ đề cơ bản trong Xã hội học Môi trường. Nội dung thứ tư đề cập đến truyền thông môi trường. Nội dung thứ năm tập trung vào những vấn đề môi trường nổi bật ở Việt Nam, qua đó gợi ý cho việc xây dựng các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực Xã hội học Môi trường ở Việt Nam.    
  1. SOC3005: Xã hội học văn hóa: 2 tín chỉ
Học phần được kết cấu thành năm chương. Chương thứ nhất bàn về Đối tượng, chứ năng, nhiệm vụ của Xã hội học văn hóa và sự hình thành, phát triển của XHH văn hóa .  Các chương còn lại từ chương 2 đến chương 4 lần lượt giới thiệu một số lý thuyết và phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu XHH văn hóa, Các thành tố của văn hóa và văn hóa qua một số lĩnh vự hoạt động . Không chỉ giới thiệu các lý thuyết và nội dung của các vấn đề, các chương trên còn chỉ ra bản chất xã hội của môi trường xã hội, cơ chế vận hành, môi trường pháp lý, chính sách,  sự kết nối lý thuyết với các kiến thức văn hóa học trong quá trình phân tích, lý giải. Thêm nữa, các chương của học phần còn được tiếp cận, thảo luận, phân tích, và cách giải quyết các vấn đề của xã hội theo góc nhìn Xã hội học dưới chiều cạnh văn hóa.  
  1. SOC3012: Xã hội học giáo dục: 2 tín chỉ
Học phần được kết cấu thành 7 chương. Nội dung chính gồm những kiến thức cơ bản về chuyên ngành xã hội học giáo dục, trong đó giới thiệu về đối tượng, phương pháp nghiên cứu và sự hình thành xã hội học giáo dục, một số cách tiếp cận và khái niệm cơ bản của xã hội học giáo dục. Học phần này cung cấp cho sinh viên một số cách tiếp cận lý thuyết khác nhau trong nghiên cứu giáo dục như 1 tiểu hệ thống, một thiết chế cơ bản của xã hội.  Học phần hướng dẫn vận dụng các lý thuyết xã hội học để xem xét hàng loạt các mối quan hệ trong lĩnh vực giáo dục cũng  như các vấn đề của giáo dục xưa và nay, đặc biệt là giáo dục trong thời kỳ công nghiệp, những ưu và nhược điểm của hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần chấn hưng nền giáo dục Việt Nam, đáp ứng nhu cầu xã hội.  
  1. SOC3051: Xã hội học kinh tế: 2 tín chỉ
Học phần bao gồm ba nhóm nội dung chính. Nhóm nội dung thứ nhất liên quan đến lí thuyết xã hội học nói chung và lí thuyết xã hội học kinh tế nói riêng. Nhóm thứ hai bàn đến các phương pháp nghiên cứu trong xã hội học kinh tế. Nhóm nội dung cuối cùng giới thiệu và phân tích một số nghiên cứu về xã hội học kinh tế nổi tiếng trên thế giới (đặc biệt là ở Pháp và Mỹ) và ở Việt Nam.          
  1. SOC3020: Xã hội học tôn giáo: 2 tín chỉ
Học phần bao gồm các nội dung chính như sau: thứ nhất, trình bày các vấn đề nhập môn xã hội học tôn giáo; thứ hai, phân tích và giải thích các khái niệm và các lý thuyết cơ bản trong nghiên cứu xã hội học tôn giáo; thứ ba, giới thiệu và phân tích các vấn đề về tông giáo trong xã hội hiện đại và thứ tư, hướng dẫn vận dụng và thực hành các phương pháp nghiên cứu xã hội học vào nghiên cứu tôn giáo.  
  1. SOC3016: Xã hội học du lịch: 2 tín chỉ
Học phần bao gồm bốn nhóm nội dung chính. Nhóm nội dung thứ nhất liên quan đến cơ sở lí luận của xã hội học du lịch. Nhóm thứ hai bàn đến các phương pháp nghiên cứu, các cách tiếp cận trong xã hội học du lịch. Nhóm nội dung thứ ba bàn đến việc ứng dụng các lí thuyết xã hội học nói chung và xã hội học du lịch nói riêng trong các hướng nghiên cứu hoạt động du lịch. Nhóm nội dung thứ tư giới thiệu và phân tích một số nghiên cứu về xã hội học du lịch trên thế giới (đặc biệt là ở Pháp và Mỹ) và một số chủ đề xã hội học du lịch ở Việt Nam.  
  1. SOC3013: Xã hội học sức khỏe: 2 tín chỉ
Học phần được kết cấu thành các nội dung chính: Một là, trình bày các vấn đề nhập môn xã hội học sức khỏe; Hai là, phân tích và giải thích các khái niệm và các lý thuyết cơ bản trong nghiên cứu xã hội học sức khỏe; Ba là, giới thiệu một số lĩnh vực xã hội từ cách tiếp cận xã hội học sức khỏe; Bốn là, giới thiệu về vai trò đau ốm và mối quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân; Năm là, phân tích bất bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe; Cuối cùng,  đề cập đến hành vi, lối sống của cá nhân  tác động đến sức khỏe, bệnh tật trên thế giới và Việt Nam hiện nay.  
  1. SOC3052: Xã hội học pháp luật và Tội phạm: 3 tín chỉ
Khóa học này chia thành 6 phần. Phần đầu tiên giới thiệu tổng quát những vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu xã hội học về pháp luật và tội phạm. Phần thứ hai đi sâu vào chức năng của pháp luật với tư cách là một thiết chế xã hội. Phần thứ ba giúp học viên hiểu sâu hơn về bản chất của pháp luật thông qua việc phân tích mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức xã hội và hệ tư tưởng. Phần thứ tư giới thiệu về các phương pháp luận cũng như những phương pháp thu thập thông tin phổ biến trong nghiên cứu xã hội học về pháp luật và tội phạm. Phần thứ 5 tập trung giải thích cách thức con người học hỏi, hình thành và duy trì các khuôn mẫu tội phạm. Phần thứ 6 phân tích về các tiến trình và tổ chức xã hội tạo nên và kiểm soát vấn đề tội phạm.  
  1. SOC3053: Xã hội học tổ chức và quản lý nguồn nhân lực: 2 tín chỉ
Học phần này bao gồm năm chương chính. Chương thứ nhất liên quan đến cơ sở lí luận về xã hội học tổ chức. Chương thứ hai bàn đến lý thuyết duy lý, mô hình quản lý khoa học ứng dụng trong quản trị nhân sự. Chương thứ ba bàn đến lý thuyết nhu cầu, mô hình quản lý dựa vào quan hệ nhân văn ứng dụng trong quản trị nhân sự. Chương thứ tư là mô hình quản lý con người hài hòa với kỹ thuật. Chương cuối cùng bàn đến hoạt động quản lý nguồn nhân lực với nhiều lý thuyết khác nhau.  
  1. SOC3054: Xã hội học lao động – nghề nghiệp: 3 tín chỉ
Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về xã hội học lao động – nghề nghiệp bao gồm ba nhóm nội dung chính. Nhóm nội dung thứ nhất liên quan đến lí thuyết xã hội học lao động – nghề nghiệp. Nhóm nội dung thứ hai bàn các vấn đề XHH lao động – nghề nghiệp trong XH hiện đại. Nhóm nội dung cuối cùng giới thiệu và phân tích một số nghiên cứu về xã hội học lao động trên thế giới và Việt Nam.  
  1. SOC3004: Xã hội học chính trị: 2 tín chỉ
Cung cấp cho sinh viên một số khái niệm cơ bản và một số lý thuyết xã hội học chính trị. Giới thiệu cho sinh viên một số quan điểm về đối tượng, chức năng của môn xã hội học chính trị, quá trình phát triển của môn xã hội học chính trị thế giới, xu hướng phát triển khác nhau của môn học này tại các khu vực, các quốc gia trên thế giới. Sinh viên sẽ được tiếp cận với một số quan điểm của các nhà tư tưởng, các nhà xã hội học chính trị tiền bối để hiểu thêm về lịch sử của môn học này. Môn học cũng sẽ cung cấp cho sinh viên một số nội dung cơ bản của xã hội học chính trị. Qua đó sinh viên hiểu được cơ sở xã hội, nội dung xã hội, hệ quả xã hội của các sự kiện chính trị, quá trình chính trị, hành động chính trị, khủng hoảng chính trị, phong trào chính trị, tổ chức chính trị, chính trị học so sánh, văn hoá chính trị,… Một số quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở quan trọng trong quá trình tiếp thu và vận dụng môn học này vào Việt Nam. Một số phương pháp nghiên cứu xã hội học chính trị sẽ được giới thiệu để sinh viên vận dụng trong học tập và nghiên cứu khoa học  
  1. SOC3014: Xã hội học cộng đồng: 2 tín chỉ
Môn học trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về vấn đề nghiên cứu cộng đồng như hệ khái niệm nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu xã hội học về cộng đồng. Hơn nữa, môn học giúp cho người học có được sự chỉ dẫn của một số quan điểm lý thuyết trong việc nghiên cứu cộng đồng. Với các hình thức hết sức phong phú đa dạng, kèm theo nó là vai trò của nó hết sức to lớn trong đời sống cá nhân, cộng đồng và xã hội. Môn học còn giúp cho người học những phương pháp, kĩ thuật, kĩ năng cần thiết phục vụ cho việc điều tra đánh giá, khảo sát nghiên cứu cộng đồng đạt được hiệu quả cao.  
  1. SOC3034: Xã hội học thanh niên: 2 tín chỉ
Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về xã hội học thanh niên như: giới thiệu Xã hội học thanh niên với tư cách là một khoa học; Vị thế, vai trò của thanh niên và xã hội học thanh niên; Đánh giá được vai trò của thanh niên như một nguồn lực, tiềm năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước;  Học phần còn phân tích mối quan hệ giữa gia đình, cộng đồng đối với việc xã hội hóa thanh niên cũng như các phong trào thanh niên và công tác thanh niên. Ngoài ra, học phần cũng cung cấp thông tin về những đặc trưng văn hóa, định hướng giá trị, chuẩn mực của thanh niên và những sai lệch về văn hóa, về giá trị chuẩn mực của thanh niên trong giai đoạn hiện nay.  
  1. SOC3032: Lồng ghép giới trong các dự án phát triển: 2 tín chỉ
  Lồng ghép giới trong nghiên cứu khoa học và dự án phát triển cung cấp cho người học cách hiểu khoa học về một phương pháp tiếp cận giới trong chiến lược, chính sách quốc gia ( ở tầm vĩ mô) và các nghiên cứu khoa học cũng như trong các dự án phát triển ( vi mô). Lồng ghép giới là một phương pháp tiếp cận mới giúp cho ngưòi học thay đổi tư duy, hoạt động,  thay đổi các mối quan hệ cũng như những quan niệm lâu đời về về vai trò và giá trị của người đàn ông và ngưòi đàn bà.  Lồng ghép giới giúp cho người học phải ý thức được lồng ghép giới không chỉ đơn thuần là có kỹ năng mà nó còn đòi hỏi sự nhạy cảm và sự đáp ứng của mỗi cá nhân. Môn học giúp cho ngưòi học phân tích được các vấn đề xã hội từ quan điểm giới, giúp cho người học biết thiết kế nghiên cứu khoa học có tính đến yếu tố giới và biết lập kế hoạch, giám sát và đánh giá các chương trình/dự án phát triển mang tính nhạy cảm giới.  
  1. SOC3017: Xã hội học khoa học và công nghệ: 2 tín chỉ
Môn học cung cấp kiến thức cơ bản về bản chất và chức năng xã hội của khoa học và công nghệ và những ứng dụng của xã hội học khoa học và công nghệ vào hoạch định chính sách KH&CN và quản lý KH&CN. Thông qua môn học, người học có thể nắm được: Vai trò của khoa học và công nghệ trong sự biến đổi xã hội;  Khoa học và công nghệ với vai trò là một thiết chế xã hội; Quan hệ tương tác giữa khoa học và công nghệ với xã hội; Mối quan hệ giữa khoa học và công nghệ với văn hoá;  Quá trình hội nhập giữa khoa học và công nghệ với văn hoá; Chuẩn mực xã hội và kiểm soát xã hội đối với chuẩn mực trong hoạt động khoa học và công nghệ. Môn học cũng cung cấp cho người học phương pháp tiếp cận nghiên cứu cộng đồng khoa học và công nghệ như một nhóm xã hội; Cơ cấu xã hội của cộng đồng khoa học và công nghệ. Cộng đồng khoa học và công nghệ trong cơ cấu xã hội nói chung; Phân tầng xã hội trong cộng đồng khoa học và công nghệ. Di động xã hội trong và ngoài cộng đồng này.  
63. SOC4055: Thực tập phương pháp: 5 tín chỉ
Học phần thực tập phương pháp giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc thực tế; biết vận dụng các tri thức đã học để phát hiện, lựa chọn và giải quyết một vấn đề nghiên cứu của hiện thực xã hội; rèn luyện kĩ năng thiêt kê, tổ chức thu thập và xử lý thông tin một cuộc nghiên cứu xã hội học thực nghiệm. Nội dung cụ thể của đợt thực tập thực tế bao gồm những vấn đề như: Xác định chủ đề nghiên cứu, xây dựng khung lý thuyết, thao tác hóa kháo niệm và xây dựng bảng hỏi; tổ chức nghiên cứu điền dã, tiến hành thu thập thông tin, xử lý, phân tích, đánh giá các dữ liệu thu thập được và viết báo cáo thu hoạch.  
64. SOC4052: Thực tập tốt nghiệp: 3 tín chỉ
Học phần gồm bốn nội dung. Thứ nhất là xây dựng đề cương, kế hoạch thực tập cá nhân của sinh viên. Thứ hai là lựa chọn địa bàn nghiên cứu hoặc cơ sở thực tập và liên hệ, làm quen địa bàn/cơ sở thực tập. Thứ ba là triển khai nghiên cứu trên thực tế hoặc tổ chức thực hiện kế hoạch thực tập tại cơ sở thực tập. Thứ tư là viết báo cáo nghiên cứu hoặc báo cáo về các hoạt động triển khai kế hoạch thực tập tại cơ sở thực tập. Với những nội dung như thế, sinh viên có thể chọn một trong hai hướng thực tập. Hướng thứ nhất là xây dựng và tổ chức thực hiện một đề tài nghiên cứu xã hội học cụ thể. Hướng thứ hai là vận dụng tri thức xã hội học trong quá trình tập đảm nhiệm một vị trí công việc cụ thể.  
  1. SOC4053: Khóa luận tốt nghiệp: 5 tín chỉ
 
  1. SOC4056: Thiết kế nghiên cứu xã hội học: 3 tín chỉ
Học phần được kết cấu thành 8 chương. Nội dung chính của học phần hệ thống lại một số kiến thức cơ bản của môn phương pháp nghiên cứu XHH. Sau đó, môn học sẽ đi sâu vào việc giới thiệu, hướng dẫn người học từ khâu thiết kế một đề cương nghiên cứu đến việc tổ chức thực hiện một nghiên cứu XHH dựa trên các nguyên tắc nghiên cứu và những phương pháp thu thập thông tin cụ thể trơng nghiên cứu Xã hội học. Ngoài việc được hệ thống lại về phương pháp và các lý thuyết lý thuyết cơ bản trong nghiên cứu xã hội học, học phần tập trung vào việc tạo cơ hội, để người học được thực hành kỹ năng thiết kế nghiên cứu với những chủ đề nghiên cứu cụ thể của XHH , có cơ hội thực hành kỹ năng trình bày nghiên cứu dưới dạng viết và thuyết trình.  
  1. SOC4058: Lý thuyết xã hội học kinh điển: 2 tín chỉ
Học phần được kết cấu thành năm chương. Chương thứ nhất bàn về bối cảnh và tiền đề của sự phát triển các lý thuyết xã hội học kinh điển. Các chương còn lại từ chương 2 đến chương 5 lần lượt giới thiệu các quan điểm lý thuyết quan trọng của các tác giả kinh điển, bao gồm: Karl Marx,  Emile Durkheim,  Marx Weber, và George Simmel. Không chỉ giới thiệu các lý thuyết xã hội học kinh điển, nội dung các chương trên còn chỉ ra sự kết nối lý thuyết xã hội học kinh điển với lý thuyết xã hội học đương đại. Thêm nữa, các chương của học phần còn được thảo luận với tư cách là những góc nhìn xã hội học kinh điển được vận dụng trong nghiên cứu xã hội đương đại.    

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây