Đó là nghề Công tác xã hội (CTXH) là nghề có nhu cầu nhân lực lớn do xuất phát từ thực tế là, con người trong xã hội hiện đại ngày càng phải đối mặt với sức ép, rủi ro lớn, cần được sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng và xã hội.
Ở nước ta, từ sau năm 2010, khi Chính phủ ban hành Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Quyết định 32/2010/QĐ-TTg), chính thức coi CTXH là một ngành khoa học và một nghề chuyên môn thì nghề này mới bắt đầu phát triển mạnh.
Thiếu nhân lực có nghề
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển thành một nghề chuyên nghiệp. Còn ở Việt Nam, nghề CTXH mới chỉ bắt đầu hình thành, chưa phát triển một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh của lĩnh vực này.
Thực tế cho thấy, đội ngũ những người làm CTXH phát triển một cách tự phát, chủ yếu từ các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội, Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, cán bộ phường, xã và thậm chí là những người dân tự nguyện. Họ làm việc phần lớn dựa trên kinh nghiệm, chưa được đào tạo về phương pháp, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững.
Báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) năm 2018 cho biết, hiện nay, số người cần trợ giúp xã hội trên cả nước rất lớn, khoảng 22,5 triệu người, chiếm 25% dân số.
Trong đó, có trên 10 triệu người cao tuổi không có lương hưu; 7,6 triệu người khuyến tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 2,9 triệu hộ nghèo và cận nghèo, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ cấp hàng tháng; khoảng 254.000 người nhiễm HIV/AIDS, hơn 234.000 người nghiện ma túy, hơn 48.000 người bán dâm; 30.000 nạn nhân bạo hành gia đình và nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.
Tuy nhiên, cho đến nay, cả nước mới chỉ có khoảng 70.000 nhân viên hành nghề CTXH, trong đó phần lớn chưa được đào tạo bài bản mà chỉ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan - Trưởng Bộ môn Công tác xã hội, Khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), dân tộc Việt Nam có một truyền thống quý báu, đó là yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và giá trị này rất phù hợp với ngành CTXH.
"Từ xa xưa, khi một người gặp hoạn nạn, cả làng xóm xúm vào giúp đỡ, nhưng đó chỉ là hoạt động từ thiện thôi. CTXH hoàn toàn khác. Nó là hoạt động mang tính chuyên nghiệp và đòi hỏi người làm CTXH cần phải có triết lý, phương pháp khoa học thì mới có thể giúp các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội tự mình đương đầu và vượt qua vấn đề nan giải của bản thân.
Đó là lý do tại sao người làm CTXH, ngoài tình yêu thương con người còn cần nắm vững các kiến thức, kỹ năng của nghề. Và muốn như vậy thì họ phải được đào tạo một cách bài bản", PGS.TS Nguyễn Hồi Loan cho biết.
Một hoạt động từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo
Giảm thiểu rào cản, bất bình Đẳng xã hội
CTXH là nghề có sứ mạng giúp đỡ, hỗ trợ, chăm sóc những người không may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong cộng đồng, nhằm giúp họ hòa nhập và có cuộc sống tốt hơn. Đó có thể là người khuyết tật, người nghèo, những người không có khả năng tự chăm sóc, tự vệ, những người mắc bệnh nan y hoặc nạn nhân của các biến cố chính trị, xã hội, thiên tai.
CTXH chính vì vậy có vai trò làm giảm thiểu những rào cản, bất công và bất bình đẳng trong xã hội. Và nghề CTXH còn được gọi là nghề của những tấm lòng nhân ái, của sự cảm thông và yêu thương.
PGS. TS Nguyễn Hồi Loan cho biết, chương trình đào tạo ngành CTXH của Khoa gần như không có sự khác biệt với chương trình đào tạo của các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Khoa đào tạo cho sinh viên 3 khối kiến thức:
Thứ nhất là khối kiến thức cơ bản về Triết học, Lịch sử, Văn hóa...
Thứ hai là khối kiến thức cơ sở nền tảng của ngành CTXH gồm: Hành vi con người, Môi trường xã hội, Tham vấn...
Thứ ba là khối kiến thức chuyên ngành, đi sâu vào những biện pháp, lĩnh vực công tác như: CTXH với người nghèo, CTXH với người khuyết tật, tâm thần, trẻ em, người già... Trong đó, khối lượng kiến thức thực hành, thực tập trên giảng đường, tại cơ sở chiếm 1/3 chương trình học.
"Sinh viên thực tập dưới hình thức can thiệp, trợ giúp cho các nhóm yếu thế cụ thể như người già, trẻ em lang thang, mồ côi... tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Các em được rèn luyện dưới sự chỉ dẫn của giáo viên giảng dạy về lý luận và sự kèm cặp, chỉ bảo, hướng dẫn tỉ mỉ của các nhân viên tại cơ sở ngay khi kết thúc năm thứ nhất cho đến tận khi tốt nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan chia sẻ: "Bản chất của CTXH là sự kết hợp của các ngành khoa học xã hội và để đảm bảo cho CTXH được hiệu quả, việc am hiểu nhu cầu, tâm lý, văn hóa, lối sống... của các nhóm người yếu thế là rất cần thiết.
Hiện tại, Khoa có nhiều mối quan hệ với các trường đại học nổi tiếng trên thế giới và cùng các trường này trực tiếp tham gia đào tạo sinh viên. Có thể kể đến các trường: Đại học San Jose State, Đại học Michigan, Đại học Tổng hợp Washington (Hoa Kỳ); Đại học Shukuto- ku, Đại học Fukushima (Nhật Bản); Đại học Lund (Thụy Điển), Đại học Zurich (Thụy Sỹ)... Trong nước, Khoa có một mạng lưới cơ sở thực tập gồm: Các trung tâm bảo trợ xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các trung tâm trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người cao tuổi... do tư nhân tổ chức.
Nghề Được tôn vinh
Đánh giá về nhu cầu lao động ngành CTXH, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan cho rằng, xã hội phát triển như hiện nay đang và sẽ tạo ra những sức ép rất lớn với cả những người làm công tác quản lý lẫn người dân. Con người phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, rủi ro trong cuộc sống như đói nghèo, thất nghiệp, kinh tế sa sút, thiên tai... Con người cũng phải chịu sức ép lớn về đời sống tinh thần nên rất dễ dẫn đến những căng thẳng, lo âu, bệnh tật.
Mặt khác, hiện nay vấn đề phân chia giai tầng trong xã hội, sự cách biệt giữa những nước nghèo và giàu ngày càng xa khiến người yếu thế trong xã hội ngày càng nhiều.
Chính thực tế đó đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp làm CTXH. Hiện tại, trên cả nước có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề đào tạo ngành CTXH với hàng nghìn sinh viên ra trường mỗi năm nhưng với ưu thế có lý luận tốt, kiến thức rộng và sâu nên sinh viên ngành CTXH Trường ĐHKHX&NV dễ tìm kiếm việc làm.
Thực tế cho thấy, có đến 90% sinh viên của Khoa có việc làm sau một năm tốt nghiệp. "CTXH có vai trò đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và là phương tiện, công cụ rất hữu hiệu để đưa chính sách xã hội, đường lối của Đảng và Nhà nước vào thực tế một cách hiệu quả.
Việc Chính phủ đầu tư đến 2.347,4 tỷ đồng để phát triển Đề án 32 về nghề CTXH là minh chứng rõ ràng cho điều này. Do đó, trong hiện tại và tương lai, nghề CTXH sẽ ngày càng được coi trọng, tôn vinh. Đây là cơ hội mà sinh viên nên nắm bắt trong thời điểm hiện nay", PGS.TS Nguyễn Hồi Loan nhấn mạnh.
Minh Đức
Nguồn tin: dantri.com.vn
Tác giả: SOW
Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn