Mỗi ngày, công việc của Ngô Thị Huyền phụ trách chăm sóc người cao tuổi ban ngày luôn bắt đầu bằng nụ cười và kết thúc cũng bằng nụ cười. Huyền nói: Ở với các cụ càng thấu hiểu tinh thần quan trọng lắm.
"Em xây dựng kế hoạch đời sống tinh thần cho các ông bà theo hình thức tham vấn để ông bà cảm thấy thoải mái. Tập trung trò chuyện để ông bà bớt cô đơn, buồn chán" - Huyền nói.
Theo nghiên cứu trên người cao tuổi tại cộng đồng của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các hội chứng lão khoa thường gặp ở người cao tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thúc đẩy và gây suy giảm chức năng và khuyết tật. Các hội chứng lão khoa phổ biến nhất là: ngã, hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, suy dinh dưỡng, tình trạng đa bệnh lý. Huyền nằm lòng những lý thuyết này. Cô gái tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQGHN) cho biết em từng làm nghiên cứu về chứng alzheimer ở người cao tuổi. Vì vậy Huyền hiểu làm nghề này cần lắm sự kiên nhẫn.
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh – sáng lập Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân ái (Hà Nội) cho biết: Nhu cầu hỗ trợ của người cao tuổi ngày càng phong phú và đa dạng. Trong sự bùng nổ của công nghệ, người già cần được trang bị những kỹ năng để thích ứng với cuộc sống. Chị Kim Thanh cho biết các cụ cần được các chuyên gia tham vấn những vấn đề sau:
- Các cụ phải biết chấp nhận tuổi già của mình, bao gồm chăm sóc sức khỏe cũng như tinh thần, biết thích ứng, thay đổi để hòa nhập cuộc sống;
-Có sự cảm thông với con cái để nhìn nhận một cách tích cực hơn, hỗ trợ con cái chứ không theo quan điểm cứng nhắc bảo thủ là mình là bậc cha chú;
-Người cao tuổi cần có sự cởi mở, thoáng hơn và tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể để có những sân chơi, có niềm vui của mình;
- Người cao tuổi phải có sự bứt phá, vượt qua giới hạn của bản thân, nhìn cuộc sống tích cực, chủ động mọi việc và tự lựa chọn cuộc sống của mình một cách độc lập.
Ông Phạm Quyền Thịnh gần 80 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã lựa chọn cùng vợ đến trung tâm dưỡng lão. Bà bị suy giảm trí nhớ, ông không nỡ để bà ở đây. Vậy là ông bà ngày ngày đến trung tâm sinh hoạt, giao lưu, chiều tối ông lại đưa bà về nhà.
"Bây giờ con cái nó bận lắm, mình cũng không thể bắt nó quan tâm đến mình được. Nhiều người già muốn ở riêng, ở gần chứ không ở cùng…Có những trung tâm như thế này quá tốt" - ông Thịnh tâm sự.
Khi được quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ tâm lý, cuộc sống tuổi già bớt đi sự cô đơn và lệch nhịp. Nhìn sắc mặt của bà khá hơn, bản thân ông Thịnh lại thêm phần yên tâm. Ông Thịnh biết không phải ai cũng có điều kiện như gia đình ông để có thể thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc ở trung tâm.
"Những nơi này rất tốt nhưng mà đắt quá. Tôi là phải bán đi một cái nhà để có thể sinh hoạt tại trung tâm và trang trải cuộc sống" - ông Thịnh chia sẻ.
Cũng như ông Thịnh, bà Lê Thị Cao Trường ở quận Đống Đa chọn đến trung tâm chăm sóc người cao tuổi để có động lực sống khoa học hơn. Theo bà, để có thể vào đây, bà phải có sự chuẩn bị tài chính cho tuổi già từ khi còn trong độ tuổi lao động.
Ở các nước phát triển, ngành công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào xây dựng chính sách và điều hành các hoạt động an sinh cho người cao tuổi thông qua hai hình thức: Chăm sóc trong các cơ sở chăm sóc người già hoặc trung tâm dưỡng lão và cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, ở nước ta, chỉ những ai khá giả mới nghĩ đến việc được chăm sóc, hỗ trợ từ những người có chuyên môn. Và vì vậy, cơ hội việc làm cho sinh viên ngành công tác xã hội cũng thu hẹp hơn.
Trong quá trình già hóa dân số, nhiều vấn đề đặt ra đối với người cao tuổi, cần sớm nhận thức về sự cần thiết phát triển công tác xã hội với người cao tuổi và tạo các điều kiện cần thiết cho sự phát triển này../.
Nghe phóng sự tại đây:
Tác giả: Minh Khang (VOV2)
Nguồn tin: vov2.vov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn