Nghiên cứu “Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021” được đồng thực hiện bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan; với sự đồng tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và UNDP.
Nghiên cứu thực hiện điều tra phiếu hỏi với 248 đại biểu Quốc hội Khóa XIV (50% số đại biểu Quốc hội) và 136 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh của ba tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương quản lý gồm Hà Nội, Bình Phước và Cần Thơ. Hai mục đích được hướng tới là: đánh giá vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; đưa ra một số đề xuất chính sách và thực tiễn hướng tới bình đẳng giới trong các cơ quan dân cử ở Việt Nam giai đoạn 2021-2026 và hướng tới 2030.
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Diana Torrres (Đại diện UNDP tại Việt Nam) chia sẻ quan điểm bà Elisa Cavacece (Phó Đại sứ kiêm Tham tán phát triển, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam): Vai trò lãnh đạo trong khu vực công của phụ nữ thực sự mang ý nghĩa quan trọng vì nó là điều cần thiết để đảm bảo quan điểm và tiếng nói của phụ nữ được lồng ghép vào toàn bộ tiến trình hoạch định chính sách. Mỗi chính sách công cần phản ánh đầy đủ quan điểm của cả phụ nữ và nam giới, nhằm đảm bảo bình đẳng và công bằng.
Bà Diana Torrres phát biểu khai mạc
Tại Việt Nam, tỉ lệ nữ ứng cử viên trong danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV chính thức hiện đã đạt 45,28%, tăng 6,51% so với con số này tại khóa XIV. Tuy nhiên tỉ lệ nữ ứng cử viên ở cấp Trung ương, cấp hoạch định chính sách chỉ ở mức 22,43%. Trong khi đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương 7 (Khóa XII) đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phải có cán bộ nữ trong cơ cấu Ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp (cấp ủy viên từ 20 - 25% là nữ; Đại biểu Quốc hội). Điều này đòi hỏi có những biện pháp chính sách để gia tăng tỉ lệ tham gia của phụ nữ vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước.
Nghiên cứu “Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021” chính là một nỗ lực nhằm cung cấp các dữ liệu và bằng chứng, làm cơ sở, luận cứ để các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu khai mạc
Thay mặt Trường ĐHKHXH&NV, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) nhấn mạnh ý nghĩa của buổi báo cáo nghiên cứu trong thời điểm sắp diễn ra cuộc Bầu cử ĐBQH Khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chắc chắn các kết quả nghiên cứu và các ý kiến trao đổi, thảo luận sẽ thu hút được sự quan tâm lớn của công luận. GS.TS Hoàng Anh Tuấn bày tỏ sự tin tưởng các kết quả nghiên cứu sẽ là nguồn dữ liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan nhà nước trong hoạch định chính sách về bình đẳng giới trong chính trị. Nhân cơ hội này, GS Hiệu trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới UNDP và các đối tác trong, ngoài nước đã hỗ trợ chương trình nghiên cứu này. Hy vọng trong tương lai, Trường ĐHKHXH&NVsẽ tiếp tục được đồng hành với các tổ chức, cơ quan hữu quan để thực hiện các nghiên cứu tương tự.
GS.TS Phạm Quang Minh (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đề dẫn báo cáo
Sau phần khai mạc, GS.TS Phạm Quang Minh (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) và PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh (Phó Trưởng Khoa Xã hội học) đã trình bày tóm lược các kết quả nghiên cứu “Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021”.
Kết quả cho thấy, mặc dù, có mối quan tâm và thế mạnh ở các lĩnh vực khác nhau, cả nam và nữ đại biểu dân cử đều quan tâm đến lợi ích cử tri, coi lợi ích cử tri là yếu tố quan trọng nhất trong thực hiện nhiệm vụ.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh (Phó Trưởng Khoa Xã hội học) trình bày báo cáo
Nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có xu hướng chủ động hơn trong việc tận dụng phương tiện truyền thông xã hội để trao đổi, tương tác với cử tri so với các nam đại biểu. Nam và nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều khẳng định, họ đáp ứng nhu cầu giải quyết đơn thư, kiến nghị của cử tri ở mức độ cao. Cả nam và nữ đại biểu Quốc hội đều tự đánh giá họ có thế mạnh nhất ở lĩnh vực lập pháp. Tương tự, cả nam và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đều cho rằng hoạt động giám sát là thế mạnh bậc nhất của họ.
Phiên thảo luận được tổ chức trực tuyến thông qua phần mềm Zoom
Nghiên cứu khuyến nghị cần có những chính sách, lộ trình cụ thể nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương 7 (Khóa XII). Để đạt được mục tiêu đó, báo cáo đề xuất đã đến lúc Việt Nam đặt ra chỉ tiêu tỉ lệ ứng cử viên mỗi giới từ 45% trở lên trong danh sách ứng cử viên, nhất là khi tỉ lệ nữ trong danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV chính thức hiện đã đạt 45,28%. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để nữ giới có năng lực và phẩm chất tự ứng cử nhằm tăng cường chất lượng ứng cử viên nữ.
Sau khi lắng nghe báo cáo nghiên cứu, các cử tọa bước vào hai phiên thảo luận:
Phiên 1: Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV
Phiên 2: Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021
Tác giả: Trần Minh
Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn