Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu khai mạc toạ đàm, GS.TS Hoàng Anh Tuấn ghi nhận những thành tích nổi bật trong cả hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Khoa Xã hội học trong chặng đường 30 năm đã qua. Khoa là đơn vị uy tín hàng đầu cả nước về đào tạo 02 ngành Xã hội học (XHH) và Công tác xã hội (CTXH) từ bậc cử nhân cho đến tiến sĩ; triển khai nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn cho cán bộ các địa phương, ban ngành. Đặc biệt, Khoa có những thành tích nổi bật trong việc triển khai các chương trình nghiên cứu các cấp, là một trong những đơn vị có thành tích tốt trong công bố quốc tế của Nhà trường những năm qua. Toạ đàm có ý nghĩa là hoạt động tổng kết về chuyên môn của khoa trong hai lĩnh vực XHH và CTXH, đồng thời là cơ hội kết nối và mở ra giai đoạn hợp tác mới với các đối tác trong và ngoài nước.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu khai mạc Tọa đàm
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đã có bài phát biểu nhìn lại chặng đường phát triển và những đóng góp của hai ngành XHH và CTXH trong việc giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam như: xóa đói giảm nghèo, sức khỏe tâm thần, cai nghiện, phòng chống bạo lực gia đình, hỗ trợ người yếu thế, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid đối với sinh kế người dân...
Đặc biệt, đối với ngành CTXH, sau 10 năm thực hiện Đề án 32 về phát triển nghề CTXH giai đoạn 2011-2020 ở Việt Nam, thành tựu lớn nhất được ghi nhận là việc chính thức ban hành mã ngành, nghề CTXH và xây dựng được hành lang pháp lý để ngành nghề này phát triển. Đến nay đã có 55 trường cao đẳng, đại học đào tạo ngành này, các cơ sở xã hội, các trường học... cũng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên về CTXH. Nghề nghiệp này ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội. Trong những kết quả tích cực trên có sự đóng góp lớn của đội ngũ cán bộ của Khoa Xã hội học, Trường ĐHKHKXH&NV.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi trao tặng 30 suất quà cho sinh viên Nhà trường có hoàn cảnh khó khăn
Trong giai đoạn phát triển tới, kế thừa các kết quả đạt được, trong bối cảnh Chính phủ ban hành Chương trình số 112 ngày 22/1/2021 về phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030, ngành CTXH có nhiều tiềm năng để phát triển sâu rộng, toàn diện hơn, không chỉ tập trung vào những lĩnh vực như xoá đói giảm nghèo, học đường... mà còn mở rộng ra CTXH trong lĩnh vực tư pháp, toà án, trại giam, bệnh viện...
Thứ trưởng đề nghị Khoa và Trường tăng cường phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các đơn vị chức năng triển khai một số nhiệm vụ: tổng kết, đánh giá hoạt động thực tiễn CTXH, từ đó tham mưu, đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho các cơ quan chức năng về những điều cần bổ sung, điều chỉnh để ngành nghề này phát triển mạnh hơn nữa trong giai đoạn tới; xây dựng các CTĐT, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm CTXH cho các địa phương, bộ ban ngành; hướng tới triển khai đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về vai trò của CTXH trong phát triển cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế trong CTXH...
TS. Michael Krakowski (Giám đốc Chương trình cải cách vĩ mô/tăng trưởng xanh của GIZ) phát biểu tại Tọa đàm
TS. Michael Krakowski đại diện cho GIZ chia sẻ thông tin về dự án “Mục tiêu xã hội trong tăng trưởng xanh bền vững tại Việt Nam” do GIZ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trường ĐHKHXH&NV thực hiện từ năm 2016. Dự án nhằm nâng cao năng lực lồng ghép các khía cạnh xã hội và giới vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách; thúc đẩy phát triển năng lực cho thế hệ các nhà hoạch định chính sách và quản lý nhà nước tương lai ở Việt Nam. Dự án được đánh giá là đã mang lại một bộ tài liệu xuất sắc, bao gồm cả giáo trình về Phân tích chính sách và đánh giá tác động xã hội ở cả định dạng giấy và điện tử.
Trường ĐHKHXH&NV nhận sách từ TS. Michael Krakowski dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi
TS. Michael Krakowski cũng gửi lời cảm ơn đội ngũ chuyên gia của Trường ĐHKHXH&NV đã trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng giáo trình đánh giá tác động xã hội, đặc biệt là module học trực tuyến cho nội dung này. Việc phát triển module điện tử thí điểm sẽ cung cấp cho giảng viên và sinh viên khả năng tiếp cận linh hoạt hơn và sử dụng công cụ này để tích hợp khía cạnh xã hội trong công việc phân tích chính sách hiện quả.
Thay mặt cho đội ngũ chuyên gia thực hiện Dự án, PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan (Khoa Xã hội học) trình bày những kết quả nổi bật của Dự án: Hơn 50 lượt cán bộ giảng viên của Nhà trường đã tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, các hội thảo chuyên môn do Dự án hỗ trợ tổ chức; biên soạn 01 cuốn sách tham khảo về đánh giá tác động xã hội của chính sách, tương thích và lồng ghép được vào chương trình giảng dạy của Trường ĐHKHXH&NV; xây dựng đề xuất tài liệu giảng dạy về nội dung phân tích chính sách và đánh giá tác động xã hội của chính sách; kết nối và mở rộng hợp tác với các trường, viện trong nước và quốc tế...
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Sau phiên khai mạc, các đại biểu tham gia trao đổi về các nội dung: Thực trạng và định hướng cho chính sách phá triển nghề CTXH ở Việt Nam; Xu hướng và cơ hội nghề CTXH ở Việt Nam và thế giới; Một số vấn đề trọng tâm trong nghiên cứu và đào tạo XHH; Quan sát - phương pháp tạo dữ liệu định tính trong thực hành nghề XHH và CTXH; Tiềm năng lý luận của lý thuyết XHH cho CTXH; Đánh giá nguồn nhân lực CTXH và hàm ý cho phát triển đào tạo tại Việt Nam...Tác giả: Thanh Hà - Ảnh: Trần Minh
Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn