PGS.TS Trịnh Văn Tùng: Đến với Xã hội học như một mối “nhân duyên”

Thứ sáu - 07/05/2021 10:49
Một buổi sáng mùa thu 1969, trên bờ sông Lam trong, đục rõ ràng, một cậu bé “oe oe” chào đời, được Cha Mẹ đặt tên là Trịnh Văn Tùng với ước mơ rất thật: “Con yêu! Cha Mẹ đặt tên con là Tùng để con cố gắng sống với đời thật thanh cao, thật khiêm tốn, thật kiên cường và thật quân tử! Dù cuộc đời có lúc nắng, lúc mưa, có lúc gió, lúc bão, có lúc giông, lúc tố…, nhưng con được sinh ra và được sống giữa đời này đã là một ân huệ của tạo hóa!”

Nhân duyên!

Một buổi sáng mùa thu 1969, trên bờ sông Lam trong, đục rõ ràng, một cậu bé “oe oe” chào đời, được Cha Mẹ đặt tên là Trịnh Văn Tùng với ước mơ rất thật: “Con yêu! Cha Mẹ đặt tên con là Tùng để con cố gắng sống với đời thật thanh cao, thật khiêm tốn, thật kiên cường và thật quân tử! Dù cuộc đời có lúc nắng, lúc mưa, có lúc gió, lúc bão, có lúc giông, lúc tố…, nhưng con được sinh ra và được sống giữa đời này đã là một ân huệ của tạo hóa!”

Sau cái tuổi trẻ trâu với bao trò nghịch ngợm và học hành chí thú, thầy Tùng – học sinh đầu tiên của Trường THPT Thanh Chương 1, Nghệ An – đã thi đỗ khoa tiếng Pháp – văn hóa Pháp, Trường Đại học Sư phạm Huế. Với sự dìu dắt của các Thầy, các Cô, với tình cảm quý mến của bạn bè, với sự nhẹ nhàng, sâu lắng khó tả của văn hóa Huế và với điều kiện sách, vở, phim, ảnh… của Trung tâm tiếng Pháp Huế, thầy Tùng miệt mài học tập tất cả các môn, trong đó đam mê nhất là môn “Đất nước học”. Thầy đã tự nguyện dự thi tất cả các kì thi bằng tiếng Pháp do Đại sứ quán Pháp tổ chức:

(1) 1990: “Thực trạng Pháp ngữ và thực trạng xã hội của các nước nói tiếng Pháp” (giải khuyến khích với phần thưởng là một cái máy radio-cassette);

(2) 1991: “Điện ảnh, Nhà hát kịch và Hội họa” (đồng giải ba nhưng thua bạn 0,03 điểm nên không có học bổng đi Canada);

(3) 1992: “Lịch sử kiến trúc, Quy hoạch đô thị và Các vấn đề xã hội của đô thị hiện đại” (đồng giải nhất và học bổng “Khám phá nước Pháp” trong 3 tháng hè năm ấy).

Bạn bè hỏi: “Cậu chả bao giờ mơ bằng tiếng Việt là sao?”. “Đơn giản vì tớ muốn đi du học ở Pháp!” – Thầy trả lời.

Thầy đã tốt nghiệp cử nhân giảng dạy văn hóa với khóa luận tốt nghiệp: “Vị trí của văn hóa trong các giáo trình dạy ngôn ngữ - văn hóa Pháp bậc đại học ở Việt Nam” và Thầy được tuyển làm giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Huế.

Hai năm sau (1994), Thầy lại nhận được học bổng tham dự khóa đào tạo các nhà văn trẻ bằng tiếng Pháp tại Singapore. Năm 1995, Thầy tham gia kì thi giảng viên trẻ bằng tiếng Pháp và đã nhận học bổng du học Pháp. Để được ghi danh vào Đại học Sorbonne Nouvelle (Paris III) chuyên ngành “Đất nước học”, thầy đã vượt qua bài test khi viết về “chân dung xã hội của các nhóm người” trong tác phẩm “Những người khốn khổ”. Và thầy Tùng lại chọn cho mình chỗ ngồi gần Thầy, gần Cô nhất! Năm 1996, Thầy đã hoàn thành cử nhân thứ 2 về khoa học giảng dạy văn hóa, rồi luận văn thạc sĩ trong năm tiếp theo (1997); trong luận văn có nội dung về xã hội học lịch sử, Thầy đã đề xuất luận điểm: “Việt Nam đã đi tìm sự cân bằng tay ba, cân bằng đa phương và hội nhập quốc tế từ thời các Cha vào truyền đạo”.

Hết học bổng, thầy Tùng về Huế dạy “Đất nước học” bằng tiếng Pháp. Rồi GS. Lê Hữu Khóa từ Lille về Huế, với những ấp ủ hợp tác đào tạo, nghiên cứu, mang theo cuốn sách bàn về “Lý luận xã hội học” của Jean-Claude Passeron (bạn rất thân của Pierre Bourdieu). Giáo sư Khóa cũng mang theo một món quà lớn: “Ai làm luận án tiến sĩ từ cuốn sách này sẽ nhận học bổng dưới dạng lương bằng cách dạy văn hóa Việt Nam cho học viên cao học Đông Nam Á học!”. Đại học Huế chọn thầy Tùng. Thật may mắn! Lần này đi Pháp, Thầy không kịp về thăm Ngoại (lúc ấy 2 Nội của Thầy đã mất) vì quyết định được Giám đốc ĐH. Huế kí vào cuối chiều mưa bão bùng (30/10/1999) mà đến trưa hôm sau đã phải bay từ Nội Bài. Ra đến Hà Nội, ngước xem bản tin trưa trên truyền hình, nước mắt thầy chảy ròng vì Thừa Thiên - Huế bạc màu trong biển nước với hơn 630 sinh mạng đã ra đi về cõi vĩnh hằng!

Sang ĐH. Charles de Gaulle (Lille III), Thầy vừa dạy văn hóa Việt Nam vừa làm luận án tiến sĩ xã hội học với đề tài: “Văn bản khoa học luận về khoa học xã hội và/hoặc triết học qua dịch thuật” (So sánh Lí luận xã hội học của Jean-Claude Passeron và Chính mình như một người khác của Paul Ricoeur). Kể từ đây, Thầy Tùng đúng như một người khác!

Sau 27 tháng miệt mài, Thầy đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, rồi trở về nước với vợ và con trai ba tháng tuổi. Trở lại với công việc giảng dạy “Đất nước học” (cử nhân) và “Phương pháp nghiên cứu xã hội học” (cao học) ở Huế (2001 – 2003), lòng thầy ngổn ngang với nghĩa tình với Huế và nỗi nhớ vợ con ở Hà Nội. Rồi cuối năm 2003, thầy được chuyển việc ra Hà Nội, phụ trách Pháp ngữ tại phòng Đối ngoại của Trường ĐHKHXH-NV (1/2004 – 11/2005), sau đó về khoa Xã hội học làm giảng viên. Đúng là “Trả lại tên cho em!” Thầy Tùng có cảm giác như “cá được về với nước” vậy. Từ năm 2007 - nay, thầy Tùng được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm khoa; năm 2012, thầy Tùng được công nhận chức danh Phó giáo sư và từ 2015, thầy được bầu vào Đảng ủy Nhà trường. Từ năm 2006, thầy Tùng tham gia đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ 2 ngành Xã hội học và Công tác xã hội. Thầy Tùng quan niệm rằng, trong khi Xã hội học giải thích vấn đề xã hội thì Công tác xã hội tìm cách can thiệp, giải quyết chúng. Và thầy Tùng là giảng viên Việt Nam đầu tiên vừa theo hướng đào tạo xã hội học cơ bản, vừa theo hướng đào tạo xã hội học ứng dụng nên đã cùng GS. Pháp xây dựng và phát triển chương trình thạc sĩ quốc tế bằng tiếng Pháp Xã hội học ứng dụng trong “Quản lí tổ chức” (2007-2011), nay là “Quản lí chính sách công và doanh nghiệp”. Các hướng nghiên cứu chính của thầy Tùng là: Xã hội học quản lí; Xã hội học kinh tế; Xã hội học về chính sách công; Xã hội học du lịch; Phát triển cộng đồng. Nhà văn hóa và du lịch tại Mộc Châu, Sơn La (MTV) là một niềm vui nho nhỏ của thầy vì đây là một sản phẩm của nghiên cứu xã hội học ứng dụng trong phát triển cộng đồng.

Thầy Tùng đến với Xã hội học cơ bản, Xã hội học ứng dụng và Công tác xã hội như vậy đấy. Hình như Phật gọi nó “Nhân duyên”!

Công bố khoa học tiêu biểu

Tên công trình Nơi công bố Năm công bố
Các lí thuyết vĩ mô trong xã hội học: một ứng dụng trong xây dựng khung lí thuyết cho nghiên cứu theo quan niệm lí thuyết vĩ mô của T. Kuhn Tạp chí Xã hội học số 2(130), 2015, ISSN 0866-7659, các trang 113-124 2015
Xây dựng chính sách học bổng cho sinh viên Việt Nam: một phân tích bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học và bất bình đẳng vốn văn hoá Tạp chí Nghiên cứu con người, ISSN 0328-1557 1(58)2012, các trang 38-47 2012
Jean-Daniel Reynaud: Lý thuyết điều hoà xã hội và khả năng ứng dụng trong phân tích hành vi quản lí tổ chức Tạp chí Xã hội học số 4(116), 2011, ISSN 0866-7659, các trang 96-104. 2011
Pierre Bourdieu: Thuật ngữ “habitus” và khả năng ứng dụng để phân tích một vài vấn đề của xã hội Việt Nam hiện nay Tạp chí Xã hội học số 4(105), 2011 ISSN 0866-7659, các trang 87-93 2009
Lí luận xã hội học (sách tái biên một phần từ luận án tiến sĩ và diễn dịch) (Đồng tác giả) Nxb. Thế Giới 2001

Đề tài khoa học đã chủ trì tiêu biểu

Tên đề tài Cơ quan quản lý đề tài Năm thực hiện
Đồng chủ nhiệm: Nghiên cứu việc tổ chức tư vấn nghề cho sinh viên trong trường đại học (QG.07.43) Đề tài đặc biệt cấp Đại học Quốc gia Hà Nội (cấp Bộ) 2008-2011
Chủ nhiệm: Nghiên cứu một số vấn đề lí luận và thực tiễn nhằm xây dựng văn liệu xã hội học pháp luật dùng ở bậc đại học trong bối cảnh Việt Nam hiện nay (QX.07-31) Đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội (cấp Bộ) 2008-2011
Phó chủ nhiệm: Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội hiện nay Đề tài cấp Nhà nước KX.04-17/11-15 2013-2015
Đồng chủ nhiệm: Tạo dựng hoạt động kinh tế - xã hội phục vụ phát triển bền vững địa phương (trường hợp Tây Bắc và Sơn La) Đề tài quốc tế Pháp – Việt Nam 2007-2014

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây