Chương trình có sự tham gia của GS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng nhà trường, GS. TS Nguyễn Văn Kim và PGS. TS. Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, các thầy cô lãnh đạo và giảng viên Khoa Xã hội học, cùng các bậc phụ huynh và các thế hệ sinh viên Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Thông điệp “Mai tôi trưởng thành” của chương trình được chuyển tải thông qua hình ảnh của những dải ruy băng với năm màu sắc, tượng trưng cho những trải nghiệm, những cung bậc cảm xúc mà các sinh viên K58 Khoa Xã hội học đã trải qua trong suốt bốn năm học tập dưới mái trường Nhân văn. Sân khấu được chuyển giữa các màu sắc vàng, hồng, đỏ, xanh lục và xanh lam một cách nhịp nhàng, uyển chuyển nhờ những đoạn clip giàu cảm xúc giới thiệu về triết lí của từng màu. Những gam màu được lựa chọn gắn liền với các khía cạnh khác nhau của cuộc đời sinh viên: người xem có thể dễ dàng nhận thấy sự thông thái của tri thức, trí tuệ trong mảnh ghép màu vàng, tình bạn và tình yêu đôi lứa qua sắc hồng, sắc tím, sự nhiệt huyết, cháy hết mình vì đam mê của tuổi trẻ thông qua gam màu đỏ, tình cảm gắn bó xúc động, sâu lắng qua gam màu xanh lá cây, và cả những ý chí, khát khao, nghị lực, tấm lòng và tinh thần nhân văn rộng mở qua mảnh ghép màu xanh dương.
Ở mỗi phần tương ứng với một màu sắc, Ban tổ chức đã khéo léo đan cài những chi tiết gây xúc động, khơi dậy những kí ức, kỉ niệm gắn liền với các hoạt động học tập và phong trào của sinh viên, đồng thời tạo dựng không gian cởi mở, thân mật để các sinh viên có dịp trải lòng, chia sẻ những cảm xúc mà thường ngày ít có cơ hội để tỏ bày. Đặc biệt, Ban tổ chức chương trình còn bí mật lên kế hoạch liên hệ, kết nối để xây dựng những màn hội ngộ, chia sẻ đầy bất ngờ và xúc động và đầy nước mắt giữa các thầy cô, phụ huynh với sinh viên. Những dải ruy băng sắc màu được thắt lên tay những người thầy, người cô, người cha, người mẹ, người bạn thân thiết đã khẳng định tình cảm gắn kết sâu đậm, bền chặt giữa sinh viên K58 với gia đình và mái trường dù cho chặng đường phía trước có phải muôn trùng cách trở. Bên cạnh đó, các tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, đầu tư kĩ lưỡng cũng giúp truyền tải thông điệp cảm xúc ấy một cách sâu sắc hơn và là một điểm nhấn của chương trình.
Thông qua chương trình, Ban tổ chức muốn gửi một lời nhắn nhủ tới các sinh viên sắp ra trường rằng: Cuộc sống sinh viên với những gam màu rực rỡ ấy chính là những hành trang tuyệt vời nhất mà các bạn có được sau bốn năm gắn bó với mái trường đại học. Dù rằng trên bước đường dài phía trước, các bạn có thể sẽ gặp những khó khăn, bên cạnh những thành công sẽ có cả những lần vấp ngã; song các bạn hãy cứ tự tin, cứ “trưởng thành” bước ra cuộc đời với khát vọng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, hãy luôn mang theo và lan toả tinh thần Nhân văn, sự tử tế và những giá trị tốt đẹp mà các bạn đã thu nhận được từ ngôi trường giàu truyền thống này.
Dưới đây là một số hình ảnh lắng đọng của chương trình:
Quang cảnh sân nhà E - nơi diễn ra chương trình Xã hội học Online 2017
Mở đầu chương trình là các tiết mục văn nghệ hấp dẫn và lôi cuốn.
Đại diện sinh viên hai lớp K58 CTXH và K58 XHH gửi tặng bó hoa tươi thắm và dải ruy băng màu vàng thay cho lời tri ân, sự kính trọng, niềm tự hào gửi đến các thầy cô cán bộ, giảng viên - những người đã truyền cho họ ngọn lửa của tri thức, sự nhiệt huyết, đam mê, sáng tạo,...
Dải ruy băng màu xanh dương - kết thúc cho mảnh ghép sắc màu được GS. TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Nhà trường trao cho sứ giả của tinh thần nhân văn, sự tử tế, nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách - Lê Viết Thuận.
Tập thể Ban tổ chức chương trình Xã hội học Online 2017 chụp ảnh lưu niệm.
Cảm ơn Xã hội học Online VI đã trở thành một cái kết đẹp cho quãng đời sinh viên của các sinh viên K58 và cũng đem lại cho toàn thể sinh viên khoa Xã hội học những trải nghiệm tuyệt vời, một thước phim đẹp của tuổi thanh xuân! Chúc các bạn sinh viên sau khi ra trường sẽ luôn vững bước trên con đường đã chọn, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc và thành công.
Quang Huy - Thu Hảo
Tác giả: SOW
Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn