Ngày 6/3/2018, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức hội thảo “Chính phủ điện tử và sự tham gia của người dân” nhằm đề cập đến khái niệm, lợi ích cùng những thách thức của chính phủ điện tử với sự tham gia của người dân ở Việt Nam hiện nay.
Tới tham dự có PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường), GS. Detlef Briesen (Đại học Justus-Liebig Giessen University) và đại diện từ phía trường Heinrich Heine Dusseldorf University - GS. Michael Baurman cùng các thầy cô giảng viên, sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn bày tỏ niềm vui khi được tiếp đón các chuyên gia đại diện đến từ các trường đại học tới cùng nhau thảo luận, chia sẻ những vấn đề về chính phủ điện tử. Hội thảo này giúp các nhà khoa học, nhà quản lý học hỏi được những kinh nghiệm về phát triển của chính phủ điện tử của nước Đức để có thể áp dụng vào mô hình chính phủ điện tử Việt Nam.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc buổi hội thảo
Chính phủ điện tử/ E-Government ra đời trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào trong các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương nhằm mục đích cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. E-Government tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời kỳ cách mạng 4.0 đã mang lại nhiều cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng đưa đến nhiều thách thức, đòi hỏi các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức cần chú trọng hơn nữa tới việc phát triển hạ tầng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng các giải pháp an ninh thông tin phù hợp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sự phát triển của chính phủ điện tử nhằm tăng cường năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, đồng thời nâng cao mức hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ công nhằm đón đầu xu thế phát triển đất nước.
GS. Detlef đến từ Trường Đại học Justus-Liebig Giessen University thì chỉ rõ bốn ưu điểm thực tế nổi bật mà Chính phủ điện tử mang lại. Đó là giúp hoàn thiện chính sách, pháp luật nhà nước; mang lại thông tin đầy đủ hơn trong việc ra quyết định, quyết sách, luật pháp…; giúp chính phủ hoạt động hiệu quả trong quản lý và kiến tạo phát triển; giúp chống tham nhũng - quan liêu, xây dựng chính phủ minh bạch có trách nhiệm giải trình và hơn hết từ đó giúp gần gũi với Nhân dân hơn.
Ngoài ra, tại hội thảo, các chuyên gia còn dành thời gian cùng nhau thảo luận, hỏi đáp nhiều vấn đề xoay quanh những kinh nghiệm quản lý chính phủ điện tử của Đức - nơi mà hơn mười năm trước, lần đầu tiên chính phủ điện tử ra đời và đem lại những bước tiến vượt bậc về quản lý và vận hành xã hội.
GS. Detlef Briesen tặng thầy Hoàng Anh Tuấn cuốn sách về Chính phủ điện tử
Hội thảo chia làm 6 phiên, diễn ra trong hai ngày 6-7/3:
- Phiên 1: Chính phủ điện tử: Khái niệm, lợi ích và những thách thức/E-Government: Definitions, Benefits and Challenges.
- Phiên 2: Chính Phủ điện tử: Internet và Dân chủ/E-Government: Internet and Democracy.
- Phiên 3: Chính trị và truyền thông trong thế giới trực tuyến/Politics and Media in the Online World.
- Phiên 4: Sự tham gia của người dân và những yêu tố phi Nhà nước trong xây dựng Chính phủ điện tử/Participation of citizens and non-state actors in building E-Government.
- Phiên 5: Số hóa các dịch vụ hành chính/The digitalization of administrative services.
- Phiên 6: Chính phủ điện tử và những vấn đề đặt ra ở Việt Nam/ E-Government and issues raising in Vietnam.