Hội thảo quốc tế về “Công tác xã hội không rào cản” của VNU-USSH thu hút chuyên gia từ 22 quốc gia

Thứ năm - 03/08/2023 12:51
“Tạo ra sự khác biệt – Công tác xã hội không rào cản: Hướng tới phát triển bền vững và ứng phó với tình huống khẩn cấp” là chủ đề của Hội thảo khoa học quốc tế do Khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tổ chức trong 2 ngày 01 - 02/8/2023.
hoi thao 6
Hội thảo thu hút hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, nhà chính sách đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ và trong nước tham dự

Phát biểu tại khai mạc hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Với sứ mệnh tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu Công tác xã hội ở Việt Nam, nhà trường đặc biệt chú trọng phát triển các nghiên cứu trong lĩnh vực công tác xã hội. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này nhằm tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công tác xã hội, góp phần tạo nên xã hội phát triển bền vững.

Nắm bắt được sự tất yếu của xã hội về nhu cầu công tác xã hội, Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã phối hợp với các đối tác tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tạo ra sự khác biệt – Công tác xã hội không rào cản: hướng tới phát triển bền vững và ứng phó với tình huống khẩn cấp”. Tại đây, các chuyên gia sẽ khai thác những chiều cạnh khác nhau của công tác xã hội không rào cản trong bối cảnh thích ứng với phát triển bền vững và ứng phó với tình huống khẩn cấp.

hoi thao 1 1

Hội thảo thu hút sự tham dự của 150 học giả Việt Nam và hơn 90 học giả đến từ 22 quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Ý, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Israel, Lào, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Vương quốc  Anh, Ấn Độ, Albania, Uganda, Bangladeshi, Ethiopia, Azerbaijan, Pakistan, Ai Cập, Zambia, Somali, Hàn Quốc.

Hội thảo cũng nhận được 50 báo cáo tham luận toàn văn, gồm 28 các bài tham luận đến từ các học giả quốc tế và 22 tham luận của các học giả Việt Nam. Các bài tham luận tập trung vào nhiều chủ đề đa dạng, từ công tác đào tạo và phát triển công tác xã hội theo các mục tiêu phát triển bền vững, hoạt động hợp tác phát triển khu vực; đến những hàm ý cho quản trị dịch vụ công tác xã hội và thực hành trong một xã hội có nhiều rủi ro.

Chú trọng công tác xã hội hướng tới phát triển bền vững

Công tác xã hội đã có sự phát triển mạnh mẽ và khẳng định vai trò không thể thiếu trong mục tiêu phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới trong suốt hơn 100 năm qua. Tại Việt Nam, dù mới bước đi những bước đầu tiên trong quá trình chuyên nghiệp hóa, Công tác xã hội đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong việc trợ giúp các cá nhân, gia đình, cộng đồng có nhu cầu, hướng đến đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, toàn diện theo mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Những năm gần đây, thế giới đã trải qua những thay đổi lớn lao, trong đó biến đổi khí hậu và đại dịch Covid 19 đã tạo ra một “New Normal” cho từng cá nhân, nhóm, cộng đồng, quốc gia và toàn cầu. Những vấn đề nan giải đó đang đòi hỏi một tầm nhìn mới và sự chung tay mang tính toàn cầu để giải quyết những vấn đề chung, những khó khăn riêng.

Với vai trò quan trọng của mình, công tác xã hội cần có những chuyển động để theo kịp, để định hướng, kiến tạo sự phát triển bền vững từ cấp độ cá nhân đến cấp độ toàn cầu, thông qua giải quyết những vấn đề vi mô đến những vấn đề vĩ mô của con người. Trong bối cảnh đó, việc chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau rất quan trọng, trong đó cần phải đề cập đến “Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội” hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Việt Nam là nước chủ trì và tham gia tích cực vào điều phối thực hiện Tuyên bố.

hoi thao 2
Thứ trưởng Bộ Lao động và Thương binh Xã hội Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao sáng kiến của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN trong việc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Công tác xã hội không rào cản

Ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động và Thương binh Xã hội cho biết, công tác xã hội đã khẳng định vai trò và sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và thế giới. Việt Nam nhận thấy công tác này có vai trò rất quan trọng hướng đến an sinh xã hội và phát triển bền vững. Thứ trưởng hoan nghênh Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo ý nghĩa này nhằm hướng đến giải quyết nhiều thách thức mà xã hội đang gặp phải như: mối quan hệ giữa con người với con người, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, người khuyết tật, an ninh xã hội, người cao tuổi, nghèo đói, tệ nạn xã hội và nhiều vấn đề xã hội khác.

Ông nhấn mạnh, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về công tác xã hội, hàng triệu người đang gặp khó khăn cần được quan tâm chăm sóc, trong khi đó nguồn lực hoạt động trong lĩnh vực này còn đang hạn chế. Vì vậy, thông qua hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ đưa ra được các giải pháp thiết thực như góp phần nâng cao nhận thức mới về công tác xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần đánh giá hiện trạng, thực trạng công tác đào tạo lĩnh vực này tại Việt Nam.

Ông đã nêu rõ thực trạng và nhu cầu của Việt Nam trong công tác xã hội và những mạng lưới trường đào tạo ngành công tác xã hội. Trong thời gian tới, tập trung tổ chức nhiều chương trình liên quan chăm sóc sức khỏe tinh thần, làm rõ công tác xã hội trong lĩnh vực ngành thương binh xã hội, bảo vệ trẻ em,…phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác xã hội, giảng dạy tại các trường đại học, đẩy mạnh truyền thông, hợp tác quốc tế. Tập trung thảo luận chia sẻ nhận thức mới về công tác xã hội trên quốc tế, giải quyết ứng phó dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Đánh giá công tác đào tạo ngành này và phát triển đào tạo lĩnh vực công tác xã hội và giải pháp. Kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật để phát triển, phương pháp đào tạo sát với thực tiễn để 5 năm tới lĩnh vực này ngang tầm với quốc tế. 

thay truong
PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhận định: Sau chặng đường 15 năm thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), Hội nghị thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững đã thông qua văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV” với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu về phát triển bền vững toàn cầu (SDGs). Cam kết của 189 quốc gia, trong đó có Việt Nam tham gia văn kiện này đã cho thấy sự đồng thuận cao nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo phúc lợi toàn diện của con người trong bối cảnh phải đối mặt với những thảm họa về môi trường, bất bình đẳng kinh tế, xã hội. Trong hành trình hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại, công tác xã hội có một vai trò tiên phong – vừa dẫn dắt, định hướng, vừa phòng ngừa rủi ro của quá trình phát triển, không chỉ ở cấp độ vĩ mô như quốc gia, khu vực, tổ chức mà còn ở cấp độ vi mô với từng gia đình, từng cá nhân.

hoi thao xhh 1

Trong những năm gần đây, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid 19 đã định nghĩa lại tư duy và hành động của chúng ta trong nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế, tâm lý, xã hội. Điều này đặt ra những đòi hỏi mới về vấn đề lãnh đạo và thực thi, trong đó nhấn mạnh sự chung tay mang tính toàn cầu để giải quyết những vấn đề chung, những khó khăn riêng. Trong bối cảnh VUCA, việc chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau rất quan trọng. Đó là bước đi đầu tiên để tạo ra sự tin tưởng, từ đó hướng đến sự hợp tác toàn diện và bền vững trong tương lai.

Đánh giá từ các chuyên gia quốc tế

Đại diện ĐH Bách Khoa Hồng Kông (Trung Quốc), GS. Eric CHUI - Trưởng khoa Khoa học Xã hội Ứng dụng cho biết thêm, hội thảo này sẽ khởi đầu cho sự hợp tác chuyên sâu giữa ĐH Bách Khoa Hồng Công với Trường ĐH Khoa học Xã học và Nhân văn, ĐHQGHN sẽ phần nào đưa ra được các giải pháp để giải quyết bài toán thực trạng xã hội Việt Nam đang cấp thiết. Tại đây, các chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội sẽ cùng nhau xây dựng mạng lưới chăm sóc công tác xã hội, góp phần giúp người yếu thế trong xã hội giải quyết được vấn đề khó khăn của họ.

hoi thao 3

Chủ tịch Hiệp hội các trường công tác xã hội quốc tế GS. Annamaria Campanini nhấn mạnh, cần phải cùng phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện tốt đáp ứng nhu cầu của xã hội như giáo dục, việc làm, cần làm mới và thay đổi chương trình đào tạo để tạo ra cán bộ đáp ứng được nhu cầu của toàn cầu. Thông qua hội thảo này, nhìn nhận xem nhu cầu tại Việt Nam đang gặp phải như thế nào, từ đó các chuyên gia sẽ xây dựng hoạch định và tham mưu đẩy mạnh vấn đề trước mắt để có hướng tới nền tảng tốt, tạo ra công bằng hòa hợp cho mọi lĩnh vực của Việt Nam.

hoi thao 4

Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Tạo ra sự khác biệt – Công tác xã hội không rào cản: Hướng tới phát triển bền vững và ứng phó với tình huống khẩn cấp” diễn gồm 4 phiên toàn thể, 12 phiên song song, tập trung vào các nội dung:

- Đào tạo công tác xã hội với phát triển bền vững từ góc nhìn không biên giới và đa ngành (Phiên tổng thể);

- Từ đáp ứng tới chủ động: Phát triển chương trình giảng dạy công tác xã hội để định hướng cho sinh viên thích ứng với thế giới đang biến đổi (Phiên toàn thể 01)

- Hợp tác và phát triển khu vực (Phiên toàn thể 02);

- Quản lý sự thay đổi trong một xã hội có nhiều nguy cơ: Những hàm ý cho quản trị dịch vụ công tác xã hội và thực hành (Phiên toàn thể 03);

- Hướng đến tương lai/Lộ trình tiếp theo: Các quan điểm và bài học từ các nước ASEAN

- Tiêu chuẩn toàn cầu về đào tạo Công tác xã hội: hướng dẫn áp dụng tại địa phương và khu vực/hoặc Thiết kế chương trình giảng dạy Công tác xã hội: Giảm thiểu rủi ro cộng đồng và phát triển bền vững (Phiên 1A);

- Thiết kế chương trình giảng dạy Công tác xã hội: Giảm thiểu rủi ro cộng đồng và phát triển bền vững (Phiên 1B);

- Phát triển xã hội/phúc lợi xã hội trên thế giới (Phiên 1C)

- Các vấn đề xã hội và vai trò của công tác xã hội (Phiên 1D)

- Nghiên cứu hành động trong công tác xã hội (Phiên 2A)

- Công tác xã hội và phát triển bền vững/Biến đổi khí hậu và tác động của nó tới các nhóm dễ tổn thương (Phiên 2B)

- Chương trình giảng dạy Công tác xã hội với trẻ em và gia đình/Chăm sóc sức khỏe/Người khuyết tật/Điền dã và thực hành CTXH: Các vấn đề và thách thức (Phiên 2C)

- Công tác xã hội với người cao tuổi và trong môi trường học đường: Thực trạng và can thiệp của công tác xã hội (Phiên 2D)

- Hỗ trợ tâm lý xã hội trong bối cảnh thay đổi: những hàm ý cho thực hành và đào tạo công tác xã hội (Phiên 3A)

- Nâng cao năng lực dịch vụ công tác xã hội nhằm ứng phó với những cộng đồng có nguy cơ (Phiên 3B)

- Hợp tác khu vực: Kinh nghiệm và bài học từ nghiên cứu và thực hành (Phiên 3C)

- Hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ quốc tế và tổ chức quốc tế trong hỗ trợ các nước ASEAN trong công tác xã hội (Phiên 3D).

THÔNG TIN VỀ KHOA XÃ HỘI HỌC

Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN được thành lập từ năm 1991 (với tên gọi: Khoa Xã hội học và Tâm lý học). Đến năm 1997, Khoa Xã hội học đã tách thành một đơn vị độc lập. Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Khoa Xã hội học đã trở thành đơn vị hàng đầu cả nước và có uy tín cao trên quốc tế về đào tạo, nghiên cứu Xã hội học, Công tác xã hội và nhiều lĩnh vực liên quan.

Hiện nay, Khoa là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo Công tác xã hội ở cả 3 trình độ: cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Trong sứ mệnh phát triển của mình, Khoa đã đào tạo đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu công tác xã hội cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong khắp cả nước.

Một số hình ảnh nổi bật tại Hội thảo:

img 9966

img 9915 1

hoi thao 10

hoi thao 7

hoi thao 11

hoi thao 9

hoi thao 15

hoi thao 17

img 9893

img 9898

hoi thao 8

img 9888

Báo chí đưa tin về sự kiện:

>> Báo Giáo dục và thời đại: Công tác xã hội không rào cản hướng tới phát triển bền vững

>> Dân sinh (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội): Cần tạo ra sự khác biệt và không rào cản trong công tác xã hội

>> Báo Nhân dân: Công tác xã hội "không rào cản" hướng tới phát triển bền vững

>> Đại học Quốc gia Hà Nội: Công tác xã hội không rào cản: Hướng tới phát triển bền vững và ứng phó với tình huống khẩn cấp

>> Báo Dân trí: Công tác xã hội thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững

>> Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam: Công tác xã hội hướng tới phát triển bền vững

Tác giả: Thùy Dung, Thùy Dương - USSH Media

Nguồn tin: ussh.vnu.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây