PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Người khởi dựng hướng nghiên cứu công tác xã hội Phật giáo

Thứ năm - 28/11/2019 12:34
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN hiện là cơ sở duy nhất trong cả nước đào tạo từ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ ngành Công tác xã hội. Hơn 20 năm gắn bó với mái trường này, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan luôn tự hào về định hướng phát triển học thuật ở nơi đây.

Trong hành trình phát triển của cơ sở đào tạo ấy có góp phần của PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, Chủ nhiệm Bộ môn Công tác xã hội, một trong số ít những người tiên phong về công tác xã hội Phật giáo, một nhà tâm lí học, một giảng viên nhiều say mê và trăn trở.

Nguyen Hoi Loan 6

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp tại hội thảo quốc tế

Công tác xã hội - Cơ duyên nghề nghiệp

Gắn bó với Khoa Tâm lý học gần 10 năm, từng đảm nhận vị trí Phó Chủ nhiệm Khoa và Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan đã cùng các đồng nghiệp của mình xây dựng các chương trình đào tạo, phát triển các hoạt động học thuật của Khoa, đồng thời tạo dựng uy tín chuyên môn cho mình trong ngành Tâm lý học. Các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ Tâm lý học, đặc biệt là chương trình thạc sĩ lâm sàng hợp tác với Cơ quan Pháp ngữ (AUF) đã đóng góp vào uy tín học thuật cũng như phát triển đội ngũ của Khoa Tâm lý học sau này. Năm 2009, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan chính thức chuyển sang làm Chủ nhiệm Bộ môn Công tác xã hội, Khoa Xã hội học với nhiệm vụ xây dựng lực lượng và uy tín học thuật cho một ngành non trẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ.

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan tâm sự: “tôi được đào tạo và có một thời gian khá dài gắn với công tác giảng dạy và nghiên cứu tâm lí học. Sau này, khi sang làm công tác xã hội thì tôi thấy thú vị và phát hiện rằng bản chất ngành công tác xã hội là ngành khoa học ứng dụng, có áp dụng nhiều chuyên môn của ngành tâm lí học. Từ đó, tôi tiếp tục phát huy được chuyên môn gốc của mình và có cơ hội phát triển chuyên môn mới”.

Trước đó, không ít lần PGS.TS Nguyễn Hồi Loan đã định hướng cho nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ về ứng dụng tâm lí học theo hướng công tác xã hội và học trò của ông bảo vệ thành công. Khi chuyên tâm gắn bó với ngành công tác xã hội, PGS. Hồi Loan nhận ra rằng, công tác xã hội không phải là từ thiện, không phải là ngành đơn thuần là đi giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội mà là ngành khoa học, do đó các hoạt động của nó phải tiến hành trên các lý thuyết, luận điểm và phương pháp khoa học. Đồng thời, công tác xã hội cần phải xuất phát và gắn với thực tiễn của từng địa phương và quốc gia.

Nhớ về ngày đầu, khi rời xa lĩnh vực mình đã gắn bó lâu năm, PGS. Nguyễn Hồi Loan cảm thấy khá hụt hẫng. Nhưng nhận thức được trách nhiệm của mình, Ông đã dành khá nhiều thời gian để tham gia những khóa đào tạo ngắn hạn về công tác xã hội, tích cực tham dự các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế nhằm tự hoàn thiện chuyên môn công tác xã hội của mình, đồng thời ấp ủ, nhen nhóm những ý tưởng nghiên cứu mới của Bộ môn. Trong một thời gian ngắn, với quyết tâm của bản thân, PGS. Nguyễn Hồi Loan đã lĩnh hội được những kiến thức quan trọng của ngành học này. Ông thấy mình có những thay đổi tích cực cùng với những thay đổi của bộ môn.

Phát huy ưu thế cởi mở và kết nối của ngành học, PGS. Nguyễn Hồi Loan cùng các cộng sự ở bộ môn công tác xã hội đã kế tục và gây dựng thêm nhiều kết quả mới. Thông qua các hoạt động chuyên môn, năng lực của cán bộ của Bộ môn không ngừng được nâng cao. Bộ môn Công tác xã hội cũng trở thành địa chỉ giao lưu, trao đổi chuyên môn uy tín đối với các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Trong các hoạt động chuyên môn, đồng nghiệp, học trò luôn nhớ tới ông như hình ảnh của một giảng viên thẳng thắn, tâm huyết, say mê nghề nghiệp.

Những tâm huyết và nỗ lực của Ông và các đồng nghiệp đã cho ra đời chương trình đào tạo thạc sĩ công tác xã hội (2011) và tiến sĩ công tác xã hội (2016) đầu tiên ở Việt Nam, góp phần đào tạo nhiều cán bộ, giảng viên, nhân viên công tác xã hội cho cả nước. Lúc này, Ông bắt đầu trăn trở về những hướng đi mới để khẳng định uy tín học thuật của Việt Nam trong cộng đồng nghiên cứu công tác xã hội quốc tế.

VNU Shukutoku Gakuen 2017

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tiếp đoàn Tổ chức Giáo dục Daijo Shukutoku Gakuen và Đại học Shukutoku, Nhật Bản, bàn về hợp tác song phương, trong đó có hướng ngành ưu tiên là công tác xã hội Phật giáo, giáo dục thể chất và điều dưỡng

Công tác xã hội Phật giáo – Hướng đi mới ở Châu Á và Việt Nam

Theo PGS. Nguyễn Hồi Loan, ngành công tác xã hội có nguồn gốc từ các các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Úc, ... Các lí thuyết, phương pháp được các nhà khoa học ở các quốc gia này xây dựng dựa trên lí thuyết, bối cảnh văn hóa, dân tộc của họ. PGS. Nguyễn Hồi Loan quan niệm nếu áp dụng nguyên phương pháp công tác xã hội đó vào thực tiễn của Việt Nam thì những người làm công tác xã hội Việt Nam chắc chắn sẽ thất bại.

Cần một con đường riêng cho công tác xã hội Việt Nam, mà ở đó vừa tận dụng được các kinh nghiệm quốc tế, đồng thời phải phù hợp với những vấn đề, đặc trưng của xã hội Việt Nam. Quan điểm này luôn nhất quán trong sự nghiệp khoa học và giảng dạy của Ông.

Là người luôn đề cao ý tưởng trong khoa học, Ông khuyến khích giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học để vừa củng cố lí thuyết, vừa có thêm thực tiễn xã hội. Trong quá trình nghiên cứu không nên lặp lại bước đi của giảng viên đi trước, cần phải có sự phản biện, hoài nghi và đặt câu hỏi để đào sâu tìm hiểu, để nắm bắt tri thức một cách vững chắc nhất. Đó là tư duy cần có của giảng viên và người làm khoa học. Không ít lần Ông gay gắt “nếu không nghiên cứu khoa học thì đừng làm giảng viên đại học”.

Với quyết tâm thoát khỏi những đường mòn cũ, PGS. Nguyễn Hồi Loan và các đồng nghiệp của mình đã đưa ra và từng bước xây dựng những nội hàm quan trọng của khái niệm “công tác xã hội Phật giáo”. Một dự án liên kết 10 quốc gia Châu Á để xây dựng và phát triển các khía cạnh khác nhau để đưa “công tác xã hội Phật giáo” trở thành một hướng chuyên môn sâu, một đặc trưng của Công tác xã hội Châu Á đã hình thành. Đây cũng là một thành quả khoa học khẳng định vị thế của ngành CTXH Việt Nam. Năm 2017, ông đã được các đồng nghiệp Nhật Bản và các quốc gia Châu Á khác vinh danh là người khởi xướng và tiên phong trong nghiên cứu khoa học về Công tác xã hội Phật giáo.

Theo PGS. Nguyễn Hồi Loan, các nhà sư làm từ thiện và huy động nguồn lực cho những sự kiện, cá nhân yếu thế hay các công việc nhất thời rất giỏi. Dưới góc độ khoa học, PGS. Hồi Loan cho rằng việc thiện nguyện đó nếu chỉ duy trì ở tính thời điểm thì không bền vững và phần nào gieo vào những đối tượng yếu thế tính ỷ lại, trông chờ. Ông cùng các cộng sự thấy cần thiết phải đưa tư tưởng khoa học, phương pháp khoa học của công tác xã hội để giúp những người yếu thế đứng lên, tự mình vượt qua và tự giải quyết vấn đề của họ. Định hướng ấy của ông cũng đã góp phần nhỏ bé của mình trong chương trình đào tạo của hệ thống các Học viện Phật giáo. Đồng thời, việc tham gia vào giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp những nhóm yếu thế chính là “phương tiện môn”, là con đường để Phật giáo đi sâu và góp phần tích cực của mình vào đời sống xã hội, hướng đến một xã hội an toàn, hạnh phúc cho người dân.

Giảng viên công tác xã hội – một nghề nhiều thách thức

Khi tâm sự về quãng thời gian công tác của mình tại Trường ĐHKHXH&NV, PGS. Nguyễn Hồi Loan cho rằng giảng viên là công việc mà ông yêu thích hơn hẳn những công việc khác. Theo ông, giảng viên đại học là một nghề yêu cầu cao ở người thầy, đòi hỏi người thầy phải làm tốt đồng thời cả giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Giảng dạy mà không có nghiên cứu là dạy chay, khó cập nhật được những tri thức thức mới; còn nghiên cứu khoa học không có giảng dạy thì là thiếu mất sự truyền thụ và phản biện trong khoa học.

Theo Chủ nhiệm Bộ môn Nguyễn Hồi Loan, giảng viên đại học đòi hỏi sự kiên nhẫn và sáng tạo. Còn để trở thành giảng viên ngành công tác xã hội thì còn phải biết nhân lên những giá trị tốt đẹp của mỗi con người và tạo niềm tin cho những người yếu thế. PGS. Nguyễn Hồi Loan thường nhắc nhở cán bộ trẻ và sinh viên của mình rằng, nghề công tác xã hội thường phải tiếp xúc với người yếu thế nên người làm ngành này phải biết trân quí bản thân và yêu thương con người. Qua việc thực hiện các nghiên cứu hay khi đưa sinh viên đi thực địa, thực tập, ông đều muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ sự yêu thương và nhân lên niềm tin yêu, trân trọng với ngành học này.

Nhiều giảng viên trẻ vẫn luôn ấm áp khi nghĩ tới PGS Nguyễn Hồi Loan với sự chỉ bảo cặn kẽ trong đường hướng phát triển nghề nghiệp. PGS. Nguyễn Hồi Loan nhấn mạnh rằng:  người Thầy tốt ngoài những phẩm chất đạo đức nghề cần phải có thì phải là một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu. Trong các cuộc họp chuyên môn tại Khoa hay khi trao đổi với nhiều giảng viên trẻ khác, PGS. Nguyễn Hồi Loan luôn nhấn mạnh đến mục tiêu mà cán bộ trẻ phải đạt được, phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà họ theo đuổi, để trở thành đội ngũ kế cận phát triển ngành trong tương lai. Ông yêu cầu các giảng viên khi tham gia hội thảo khoa học, hội nghị quốc tế cần có sự tự tin trong khoa học và cởi mở chia sẻ ý tưởng nghiên cứu.

Hội thảo là cơ hội để phát triển các cơ hội nghề nghiệp một cách chuyên nghiệp nhất của giảng viên đại học. Đi dự hội thảo, cán bộ trẻ cần phải tự tin vào chính mình, phải có ý tưởng, quan điểm, lập trường, luôn phản biện lại và chấp nhận những thông tin hữu ích. Ông nhắn nhủ đội ngũ cán bộ trẻ cần biết kế thừa và có đầu óc phê phán, không run sợ về bất cứ điều gì khi làm khoa học. Để làm được điều đó, Ông không ngừng làm gương và sẵn sàng học hỏi từ những người xung quanh, kể cả những người trẻ tuổi.

Nguyen Hoi Loan 1

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan (áo trắng, bìa trái) và các đồng nghiệp

Công tác xã hội - Niềm tin và triển vọng

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu của Đề án là chuyên nghiệp hóa công tác xã hội để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Trải qua gần 10 năm thực hiện đề án, ngành công tác xã hội ở Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc với sự đóng góp của ngành Công tác xã hội tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

Gắn bó với bộ môn công tác xã hội suốt 10 năm qua, điều khiến PGS. Nguyễn Hồi Loan luôn tự hào về bộ môn là có một đội ngũ cán bộ trẻ say nghề và quan tâm đến phát triển ngành học. Ông và các cộng sự tại Khoa Xã hội học luôn cho rằng, dù là một đơn vị khoa học có vị thế song cần tiếp tục vun đắp cho vị thế ấy. Hiện nay, sinh viên ngành công tác xã hội của Khoa “đắt việc” vì họ có khả năng thực hành vượt trội ngay khi tốt nghiệp. Đó là ưu thế của sản phẩm đào tạo hiện có song cần tiếp tục duy trì và phát triển ưu thế ấy để ngành công tác xã hội tại Trường ĐHKHXHNV, ĐHQGHN không bị tụt hậu.

Được sự ủng hộ của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và Ban chủ nhiệm Khoa Xã hội học, PGS. Nguyễn Hồi Loan ấp ủ kế hoạch cùng các cộng sự xây dựng một số giáo trình cốt lõi của ngành học này. Ông tin rằng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ làm nòng cốt, kết nối các chuyên gia, nhà khoa học ở các đơn vị khác có đào tạo công tác xã hội cùng tham gia nghiên cứu, xây dựng giáo trình công tác xã hội dùng chung cho các đơn vị đào tạo bậc đại học và sau đại học trong cả nước.

Gắn bó với Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN hơn 20 năm và chỉ còn 1 năm nữa là chính thức nghỉ hưu nhưng PGS.TS Nguyễn Hồi Loan khẳng định sẽ tiếp tục cống hiến, góp phần công sức nhỏ bé của mình cùng các đồng nghiệp để phát triển bộ môn, phát triển khoa và phát triển Nhà trường. Ông tin tưởng vào tương lai của ngành công tác xã hội ở Việt Nam nói chung và tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN nói riêng.

Ông vẫn luôn hi vọng rằng, từ một Bộ môn trực thuộc Khoa, Công tác xã hội sẽ trưởng thành, trở thành một Khoa độc lập, thậm chí một trường Công tác xã hội như nhiều quốc gia phát triển khác. Triết lý giáo dục khai phóng, những cam kết và kiến tạo mạnh mẽ từ lãnh đạo ĐHQGHN, lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV là những nguồn lực to lớn để ngành công tác xã hội tiếp tục là đơn vị học thuật đi đầu trong cả nước, đóng góp vào sự phát triển của một nghề đầy tính nhân văn này.

Nguyen Hoi Loan 5

Tác giả: Đỗ Ngọc Diệp

Nguồn tin: www.vnu.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây