Cô gái được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất huyện Thạch Thất đã làm mọi người ngưỡng mộ với "bảng vàng" thành tích trong suốt 3 năm học đại học. Phương xuất sắc chinh phục 5/6 kỳ học bổng và nhận được học bổng 100% của Trung tâm Tiếng Anh Pasal, học bổng Đào Minh Quang năm học 2021-2022, nhận Giấy khen của Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dành cho sinh viên có thành tích học tập cao nhất năm học 2021-2022... Chia sẻ về bí kíp để đạt được thành tích đáng nể phục trong học tập, Lan Phương khiêm tốn cho rằng bản thân mình rất có duyên và phù hợp với ngành Công tác xã hội bởi vốn dĩ Phương là một cô gái có năng lượng tích cực, có lòng trắc ẩn, sự thấu cảm và sở thích giúp đỡ người yếu thế, lắng nghe và truyền cho họ cảm hứng và sức mạnh.
Ngay từ năm nhất đại học, Lan Phương đã năng nổ tham gia các Câu lạc bộ tình nguyện tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn như Câu lạc bộ Hoa Đá, Đội sinh viên làm Công tác Xã hội... Những chuyến đi, những dự án tình nguyện đã cho cô gái 21 tuổi đầy nhiệt huyết thêm những trải nghiệm quý giá. Những dự án tình nguyện Lan Phương đã để lại dấu ấn có thể kể đến Dự án Nuôi em - Ánh sáng núi rừng, Dự án “Được dạy”, Dự án “Bếp ga công nghiệp tặng bản xa” trong Hệ sinh thái Nuôi em (Từ 12/2021 - đến nay), hoạt động “Tặng bếp gas cho học sinh mầm non, tiểu học”, hoạt động “Lễ khởi công Trường đẹp cho em” - Dự án Ánh sáng núi rừng – tại huyện Mai Sơn, Sơn La, hoạt động “ Lễ khánh thành Trường đẹp cho em” - Dự án Ánh sáng núi rừng – tại huyện Sìn Hồ, Lai Châu, tình nguyện viên chương trình “Ngày hội của bé” do Bệnh viện nhi Trung Ương tổ chức, tình nguyện viên tích cực của chương trình “Chợ tết dành cho người cao tuổi” tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng... Là một cô gái bị say xe ô tô nhưng điều đó không thể cản trở Phương trên hành trình tạo ra những điều tốt đẹp. Sau nhiều chuyến tình nguyện từ Hà Nội đến Thái Bình, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên... cô gái cảm thấy vui vẻ, thích thú, đồng cảm, sẻ chia, biết ơn và hạnh phúc. Lan Phương chia sẻ: "Trong những chuyến đi tình nguyện, mình được gặp nhiều người, nhiều hoàn cảnh, nhiều số phận khác nhau giúp đỡ họ phần nào những khó khăn mà họ đang phải gánh chịu,... Để từ đó mình cảm thấy quý trọng cuộc sống hiện tại hơn, sống bao dung hơn, vì không phải ai cũng may mắn có được cuộc sống đủ đầy tình yêu thương của gia đình, không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận được việc học,... Mình cảm thấy trân quý những chuyến đi như vậy rất nhiều, nếu còn có thể mình vẫn sẽ đi, đi đến bao giờ chân mình biết mỏi. Như lời bài hát của anh Đen Vâu: “Tụi mình tập tìm cách cho đi vì biết cho đi sẽ nhận về nhiều. Vì mình cho đi những nụ cười, những muộn phiền sẽ trôi rất xa. Cho đi niềm hạnh phúc sẽ nhận về gấp đôi gấp ba”.
Lan Phương trong chương trình “Đông Ấm Xuân Lạc - Lửa hồng trao em” - Xây dựng bếp ăn và sân chơi cho các em nhỏ ở 3 điểm trường Pù Lùng - Xuân Lạc - Bắc Kạn do Đội sinh viên làm Công tác xã hội tổ chức
Lan Phương tham gia Lễ khởi công Trường đẹp cho em cùng Dự án sức mạnh 2000
Trong khi các bạn sinh viên năm nhất, năm hai thường băn khoăn rằng nên chọn tham gia hoạt động tại các Câu lạc bộ để tích luỹ trải nghiệm và mở rộng các mối quan hệ hay đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập thì Lan Phương lại làm tốt cả hai điều đó. Cô gái vừa giữ chức vụ Lớp trưởng kiêm Chi hội trưởng lớp K65 Công tác xã hội, vừa là Đội phó F16 Đội sinh viên làm Công tác Xã hội, là Uỷ viên Ban chấp hành Liên chi Hội Khoa Xã hội học, bên cạnh đó Phương còn dành thời gian đi làm thêm nhiều công việc: Cộng tác viên phòng Công tác xã hội ở Bệnh viện E, làm gia sư, làm Tình nguyện viên dạy trẻ tự kỷ tại Trung tâm nghiên cứu quyền trẻ em, Tình nguyện viên tại tổ chức Trẻ em Rồng Xanh... Các công việc làm thêm đã đem lại cho Lan Phương thu nhập để phụ giúp bố mẹ và những mối quan hệ bạn bè đồng nghiệp và những kỹ năng để vận dụng kiến thức lý thuyết được học trên lớp vào thực tế.
Khi được hỏi bí quyết giúp Phương vừa học tốt, vừa có thời gian đi làm thêm và tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện, cô gái tài năng sinh năm 2002 cho hay: "Để có được thành tích như hiện tại mình nghĩ bí quyết của mình là “Biết cách quản lý thời gian”. Vì một ngày có 24 giờ mà, ai cũng như vậy, mình có thói quen viết Bullet Journal từ năm 2020, mình sẽ lên kế hoạch các mục tiêu và công việc theo tháng, theo tuần và theo ngày. Làm xong công việc nào mình sẽ tích vào ô của công việc đó. Đến cuối ngày mình sẽ kiểm tra lại những công việc nào đã xong, công việc nào còn chưa làm để đẩy sang hôm sau. Các công việc tình nguyện thì mình cũng sẽ sắp xếp vào những việc làm mình cần làm trong ngày, để hoàn thiện đúng deadline đã được giao, sắp xếp thứ tự các công việc quan trọng là rất cần thiết. Đi học thì mình sẽ luôn chọn ngồi bàn đầu, trong lớp mình sẽ lắng nghe lời thầy, cô giảng ghi chép ngắn gọn vào vở và sẽ cố gắng hiểu bài luôn ở trên lớp, có vấn đề gì thắc mắc mình sẽ không ngại giơ tay lên hỏi các thầy cô, việc hiểu bài ngay ở trên lớp đã giúp mình tiết kiệm được thời gian ôn bài trước mỗi kỳ thi, gần đến kỳ thi thì mình chỉ cần ôn lại kiến thức đã học là mình sẽ tự tin đi thi. Những lần đi tình nguyện của mình mình sắp xếp vào cuối tuần hoặc là những hôm mình được nghỉ học. Mình vẫn ưu tiên việc học ở trên trường của mình để có thể ra trường đúng hạn như lời bố mình dặn và tích lũy thêm nhiều kiến thức cũng như kỹ năng để sau này ra trường".
Lan Phương chia sẻ đã có không ít giai đoạn việc học của cô bị chồng chéo với hoạt động gây quỹ tình nguyện của Câu lạc bộ, việc đi học tiếng Anh, đi làm thêm, đi dạy gia sư. Nhiều lúc ngồi trước cuốn sổ Bullet, thấy rất nhiều công việc chưa hoàn thành Phương cảm thấy thất vọng về bản thân và áp lực đồng trang lứa. Sinh ra trong một gia đình không khá giả, bố mẹ Phương là nông dân nên việc nuôi ba chị em ăn học là rất khó khăn. Hiểu được nỗi vất vả của gia đình, Phương luôn cố gắng học tập thật tốt, giật học bổng để phụ giúp được bố mẹ. Khi không có điều kiện để học những khoá học bên ngoài, Phương chọn cách tự học hoặc kiếm những suất học bổng để có cơ hội được học miễn phí.
Phương cho rằng: "Không có một cách duy nhất để sống có ích cho xã hội. Quan trọng nhất là bạn hành động theo những giá trị và lợi ích mà bạn tin tưởng và mang lại tác động tích cực đến cộng đồng và xã hội xung quanh bạn. Để sống có ích cho xã hội thì đầu tiên mình nghĩ là học tập và phát triển bản thân. Đầu tư thời gian, nỗ lực vào việc học tập và phát triển kỹ năng của mình. Việc cải thiện trình độ học vấn và chuyên môn sẽ giúp bạn có khả năng đóng góp tích cực và có ảnh hưởng đến xã hội. Tiếp theo, nếu bạn là người thích khám phá, đi đây đi đó, bạn có thể tham gia vào những hoạt động tình nguyện, giúp đỡ người khác, từ những chuyện đơn giản nhất là gặp người đi người đường cần giúp đỡ, bạn không ngần ngại mà giúp người ta, cả ngày hôm đó bạn sẽ cảm thấy rất tuyệt vời, hay việc vứt rác vào đúng nơi quy định, dọn lại cốc, vỏ hướng dương khi bạn đi uống nước với bạn bè,... những điều đơn giản như vậy thôi nhưng bạn có thể giúp người khác vui rồi đó, và chính bản thân bạn cũng vậy, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống này tốt đẹp hơn rất nhiều".
Cô gái 21 tuổi với những ước mơ cao đẹp đang nỗ lực từng ngày. Phương phấn đấu sau khi ra trường có thể trở thành một nhân viên Công tác xã hội giỏi, có tâm với nghề, mong muốn làm ở các tổ chức NGO, các tổ chức trợ giúp các đối tượng yếu thế,... Tất cả là những bước đi của Lan Phương trong hành trình trở thành một người truyền cảm hứng, mong muốn giúp đỡ mọi người và xây dựng cuộc sống này thêm tốt đẹp.
Báo Sinh viên Việt Nam
Theo Báo Sinh viên Việt Nam